Hy vọng mới mở rộng kỹ thuật ghép thận cho trẻ em từ người cho chết não

16-10-2018 19:48 | Y học 360
google news

SKĐS - Mạng lưới điều phối liên viện về hiến và ghép thận nhân đạo trở thành hy vọng mở rộng kỹ thuật ghép thận cho trẻ em từ người cho chết não. Đồng thời mạng lưới điều phối liên viện sẽ là vũ khí tự nhiên chống lại mua bán tạng bất hợp pháp.

Ngày 16/10/2018, tại BV Chợ Rẫy, lễ ký kết hợp tác triển khai đề án thực hiện mạng lưới điều phối liên viện về hiến và ghép thận nhân đạo đã diễn ra giữa BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất và BV Nhi đồng 2.

Theo TTND PGS.TS.BS. Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc BV Chợ Rẫy, hiện nay, TP.HCM có rất nhiều cơ sở y tế đã tích cực chuẩn bị con người, cơ sở vật chất và trang thiết bị với mong muốn tham gia vào công tác ghép tạng, đặc biệt là ghép tạng từ các bệnh nhân chết não.

Mạng lưới điều phối ghép tạng liên viện công khai, minh bạch, sẽ là vũ khí tự nhiên chống lại các hoạt động môi giới, mua bán tạng bất hợp pháp.

“BV Chợ Rẫy đã tham gia Hội Ghép tạng Thế giới, bắt đầu từ 2012, khởi đầu với mức B. Đến 2016, BV Chợ Rẫy được đánh giá đã đủ điều kiện tăng lên mức A với mục tiêu BV Chợ Rẫy sẽ phải hỗ trợ xây dựng hệ thống ghép tạng cho các bệnh viện chưa có chương trình ghép tạng như BV Thống Nhất, đặc biệt là quan tâm đến chương trình ghép tạng ở trẻ em, như BV Nhi đồng 2,” TS. Trường Sơn phát biểu.

Hiện nay, phần lớn trẻ em được ghép tạng từ người cho sống. BSCK2 Trịnh Hữu Tùng, Giám đốc BV Nhi đồng 2, cho biết, tháng 6/2004 bệnh viện đã thực hiện ca ghép thận nhi đầu tiên vào lúc 12 tuổi. Tính từ đó cho đến nay BV mới chỉ thực hiện được 16 ca ghép thận; nguồn ghép chủ yếu từ người cho sống, từ cha mẹ, cô dì,... Do vậy, mạng lưới điều phối liên viện này hy vọng mở rộng kỹ thuật mới ghép thận cho trẻ em với người cho chết não.

“Chúng tôi vừa trải qua một ca thực tế là chuẩn bị ghép gan cho em bé suy gan mức độ nặng. Tuy nhiên, sau đó, người mẹ cho biết bà đang mang thai và người chồng - người sẽ là người cho con gái tạng để ghép, phải chăm sóc hai mẹ con trong thời gian sinh trong khi thời gian hồi phục sau ghép đối với người cho mất ít nhất 6 tháng. Vì thế, chúng tôi đành đau xót huỷ bỏ lịch mổ,” GS. Trần Đông A, cố vấn ghép tạng của BV Nhi đồng 2, chia sẻ.

Trong danh sách chờ đợi để ghép, trẻ em là đối tượng được chú trọng để ưu tiên ghép tạng. Tại Việt Nam, hiện nay, ghép tạng cho trẻ em đang diễn ra ở mức độ rất hạn chế. Chúng ta đang vướng luật, điều 5 của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác tạng, quy định rõ: “Người đủ 18 tuổi trở lên, năng lực hành vi dân sự đầy đủ mới có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác”. Do đó, những người dưới 18 tuổi nếu chết não cũng không được hiến tạng. Điều này gây khó khăn cho ngành ghép tạng.

Ghép tạng để điều trị cho bệnh nhi suy tạng là phương cách điều trị tốt nhất, kết quả hồi phục tốt và lâu dài nhất.

Trong khi đó, ghép tạng điều trị cho bệnh nhi kết quả phục hồi rất tốt. GS. Trần Đông A khẳng định, nhiều trường hợp ghép thận từ người cho sống ở bệnh nhi, dù rằng 4 ngày sau hậu phẫu sẽ rất cực, vì phải bơm nước theo dõi sát khả năng thích ứng quả thận của bà mẹ 50kg được ghép cho em bé 23kg, em bé đến nay đã sống chung với quả thận rất tốt (14 năm) mà vẫn chưa cần tái ghép.

Ghép tạng hiện có 4 khâu chính: chuẩn bị người cho, chuẩn bị người nhận, nhân lực kỹ thuật và theo dõi sau ghép. Trong đó, khâu “người cho” vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, việc hình thành mạng lưới điều phối ghép tạng liên viện về hiến và ghép thận nhân đạo này sẽ càng tạo cơ hội chia sẻ các nguồn người cho chết não tại các bệnh viện tham gia ký kết.

Các chuyên gia ghép tạng như GS. Trần Ngọc Sinh, cố vấn ghép tạng của BV Chợ Rẫy và GS Trần Đông A, khẳng định, mạng lưới điều phối ghép tạng liên viện này là chương trình hoàn toàn công khai, minh bạch, sẽ là vũ khí tự nhiên chống lại các hoạt động môi giới, mua bán tạng bất hợp pháp.

Một vấn đề được đặt ra, theo GS. Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về Ghép Bộ phận Cơ thể Người (Bộ Y tế), danh sách chờ ghép càng sớm được công khai minh bạch giữa các bệnh viện và trung tâm điều phối quốc gia, chúng ta mới có thể “tính giá đúng, giá đủ cho hồi sức chết não. Chi phí hồi sức chết não trong ghép tạng hiện cũng chưa được xây dựng một cách chính thức và rõ ràng".

Các chuyên gia hy vọng sẽ được tăng thêm 6 - 10 người chết não hiến tạng/năm. Dù phải chờ 20 năm nữa để ghép rộng rãi, ngày hôm nay vẫn phải ký kết thực hiện mạng lưới điều phối liên viện về hiến và ghép thận nhân đạo. Nhiều bệnh nhân suy đa tạng Việt Nam sẽ được cứu sống hơn nữa bằng phương pháp ghép tạng từ người cho chết não.


An Quý
Ý kiến của bạn