Ghập ghềnh đường tới Brexit
Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU đang diễn ra tại Brussels, Bỉ, Brexit trở thành vấn đề phủ bóng lên chương trình nghị sự của hội nghị. 27 quốc gia thành viên EU sẽ đánh giá những tiến bộ đạt được trong đàm phán Brexit thời gian qua và xem xét liệu có cần thêm một hội nghị bất thường vào tháng 11 nữa hay không để hoàn tất thỏa thuận.
Theo kế hoạch, còn chưa đầy 6 tháng nữa, tiếng chuông đồng hồ sẽ điểm thời điểm Anh chính thức rời khỏi EU. Hạn chót để thông qua thỏa thuận Brexit là ngày 29/3/2019 ngày càng ngắn dần, nhưng các bên vẫn còn nhiều vướng mắc trong đàm phán. Theo kế hoạch, sau khi Anh và EU chính thức “ly hôn”, hai bên sẽ bước vào một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 21 tháng, trong thời gian này Anh vẫn hưởng các quyền lợi và nghĩa vụ như khi còn là thành viên EU. Đồng thời hai bên sẽ đàm phán lại thỏa thuận tự do thương mại sau khi Anh rời khỏi “mái nhà chung”.
Trong khi dư luận đang dấy lên nhiều đồn đoán về khả năng Anh rời khỏi EU mà không đạt được một thỏa thuận nào, thì bất ngờ, EU phát đi tín hiệu sẽ kéo dài thời kỳ chuyển tiếp thêm 1 năm nữa, tức là thay vì kết thúc vào năm 2020 như kế hoạch, quá trình chuyển tiếp Brexit sẽ kéo dài đến năm 2021.
Bản đồ EU sẽ thế nào khi không còn nước Anh sau Brexit?
Khó có thể đạt được dự thảo về Brexit
Theo dự kiến Anh và EU phải thống nhất một dự thảo để các nhà lãnh đạo EU thông qua ngay tại hội nghị tại Brussels. Tuy nhiên, trong các cuộc gặp trước đó, hai bên đã không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề biên giới Ireland khiến dư luận cho rằng thỏa thuận với EU chỉ là cái “bóng” khó nắm bắt đối với nước Anh.
Thủ tướng Theresa May muốn các nước EU đồng ý để Anh ở lại liên minh thuế quan và thị trường chung cho đến khi đàm phán thương mại tự do đạt được kết quả. Đây là bước đệm để Anh không phải “dứt áo ra đi” với cú sốc kinh tế. Theo bà May, nếu đạt được thỏa thuận về vấn đề này, có nghĩa là Anh sẽ không hình thành một biên giới “cứng” giữa Bắc Ireland của Anh và Ireland - thành viên của EU.
Về phần mình, các nhà lãnh đạo EU tuyên bố cứng rắn, Anh cần phải điều chỉnh kế hoạch Brexit. EU muốn Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan của khối để tránh một biên giới cứng và phải có chốt tuần tra canh gác trên đất liền giữa Ireland và khu vực Bắc Ireland thuộc Anh. Tuy nhiên các nhà phân tích chính trị lo ngại, hành động lập chốt kiểm tra hải quan, kiểm soát đó sẽ thổi bùng những căng thẳng tôn giáo và chính trị ở đây.
Đứng trước những bế tắc trên bàn đàm phán Brexit, Thủ tướng Anh còn chịu những áp lực từ trong nước, những người theo đường lối bảo thủ ở Anh cho rằng Thủ tướng không thực hiện lời hứa, rời khỏi EU hoàn toàn, mà bà đang đi theo đường lối rời khỏi EU một cách “nửa vời”. Theo thỏa thuận Chequers mà bà May đề xuất Anh sẽ thành lập khu vực thương mại tự do để trao đổi hàng hóa với EU, xây dựng quy tắc chung trong trao đổi hàng hóa. Những nghị sĩ Anh lên tiếng phản đối cho rằng các điều khoản trong thỏa thuận này sẽ khiến EU vẫn có thể can thiệp vào nền kinh tế Anh hậu Brexit, điều này là không thể chấp nhận được. Xây dựng đường biên giới cứng sẽ động đến vấn đề nhạy cảm nhất ở Ireland, trong khi nếu “đường biên giới trên biển” sẽ chia cắt nước Anh thành 2 phần, đây là điều Anh không hề mong muốn. Thủ tướng Anh T. May cảnh báo bà sẽ không bao giờ chấp nhận chia tách Vương quốc Liên hiệp Anh, đồng thời nếu không thể đạt một thỏa thuận Brexit “chấp nhận được đối với Anh, London sẵn sàng rời khỏi EU mà không có thỏa thuận”. Trong trường hợp đó Anh sẽ phải thanh toán hóa đơn để rời khỏi EU lên tới 30-36 tỷ bảng, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho biết.
Như vậy đường tới thỏa thuận Brexit chưa được định hình, vẫn còn rất nhiều vấn đề then chốt chưa được thống nhất, trong khi thời điểm Anh phải rời khỏi EU không còn nhiều... Điều này đủ thấy, thỏa thuận cuối cùng chắc chắn sẽ không thể xuất hiện trong vài ngày hoặc vài tuần tới nếu ngay cả bản thân bên trong nước Anh không tìm cho mình được sự thống nhất trong vấn đề Brexit.