Hy vọng lắm, thất vọng nhiều

16-02-2013 08:07 | Văn hóa – Giải trí
google news

Vào các tối thứ 5 và thứ 6 hằng tuần, trên kênh VTV1, ở khung giờ vàng đang phát sóng phim “Hai phía chân trời” dài 36 tập. Đây được coi là hướng đi mới của phim truyền hình Việt với sự đầu tư “kỹ càng” về kinh phí cũng như về nguồn lực con người,

Vào các tối thứ 5 và thứ 6 hằng tuần, trên kênh VTV1, ở khung giờ vàng đang phát sóng phim “Hai phía chân trời” dài 36 tập. Đây được coi là hướng đi mới của phim truyền hình Việt với sự đầu tư “kỹ càng” về kinh phí cũng như về nguồn lực con người, những mong công chúng có được một cái nhìn mới về phim truyền hình, vốn là cái đã từng có lúc đánh mất lòng tin ở họ. Thế nhưng...

Đầu tư “khủng”, nói lên điều gì?

Bộ phim “Hai phía chân trời” đã đi được 2/3 chặng đường. Nhiều người quan tâm không hẳn là độ dài của phim mà chính là với sự đầu tư có vẻ “kỹ càng” như thế, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) sẽ gặt hái được những gì qua cái nhìn của công chúng.

Giám đốc VFC, đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã từng chia sẻ trước khi bộ phim được lên sóng VTV1 “Làm bộ phim này, chúng tôi thấy mình liều nhưng nếu không liều thì không thể vượt qua được các khó khăn để có một bộ phim hay”.

Hy vọng lắm, thất vọng nhiều 1
Cảnh phim Hai phía chân trời.       Ảnh: CTV

“Liều” cũng là một cách nói có văn, chứ thực ra một người như ông Hải chẳng bao giờ dám “liều” theo đúng nghĩa của từ này. Và nói vậy cũng là cách “đỡ đòn” khôn ngoan cho những chuyện xảy ra ngoài ý muốn. Ông Hải cho biết thêm: “Với bối cảnh chính tại châu Âu, ngay từ năm 2009, đã phải thực hiện những chuyến khảo sát tại đây, kết nối kế hoạch sản xuất phim với Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Czech, Hội người Việt tại CH Czech để có được những thước phim chân thực nhất, từ thời tiết, bối cảnh đến cuộc sống của người Việt xa xứ. Tuy được đầu tư lên tới hàng tỷ đồng nhưng để làm được phim tại nước ngoài thì đây vẫn là một kinh phí eo hẹp”.

Chẳng ai có thể trách được ông vì một bộ phim truyền hình Việt vào thời buổi này mà phải đầu tư “kỹ càng” thế, nên tốn kém là phải. Hầu hết các cảnh phim đều quay ở nước ngoài, cụ thể là Praha, Thủ đô Cộng hòa Czech với một dàn diễn viên toàn sao Việt và các diễn viên đến từ Mỹ, Đức, Nga, Czech... Chỉ riêng tiền di chuyển của đoàn bằng máy bay, tiền ăn ở, các chi phí tại chỗ như thuê bối cảnh, đạo cụ... là những khoản phải trả bằng euro, chứ không phải tiền đồng Việt Nam. Thêm vào đó, với dàn diễn viên “khủng” thế tiền catse cũng là một khoản đầu tư khá tốn kém.

Người trong cuộc là đạo diễn Vũ Trường Khoa đã bị hút hồn khi anh cảm thấy đây là: “Một câu chuyện có thật, thương tâm mà ấn tượng nhất đối với tôi về một cậu thanh niên muốn thoát cảnh nghèo khổ mà vượt biên ra nước ngoài. Nhưng cuộc sống ở nước ngoài cũng không dễ dàng gì, số tiền nợ trước khi đi của cậu ta cứ ngày một lãi mẹ đẻ lãi con. Trước sức ép về số tiền đó, cậu thanh niên đã không chịu được nên tìm đến cái chết để giải thoát. Đây cũng là câu chuyện thực được chúng tôi đưa vào trong phim và khi thực hiện cảnh quay vào cái đêm người thanh niên mất, khoảng lúc 3h sáng, giá buốt và nhiều tuyết. Cả đoàn làm phim đã rợn người, như mê sảng khi cảm thấy đây đang là câu chuyện có thật chứ không phải như đang quay phim”.

Những điều mà ông Giám đốc VFC Đỗ Thanh Hải và người đồng đạo diễn Vũ Trường Khoa nói trên hoàn toàn có thể có thật. Nhưng điều mà công chúng quan tâm là những cái có thật ấy được đưa lên phim như thế nào, có làm cho họ cảm thấy xúc động hay không mới là chuyện đáng bàn. Đối với nghệ thuật nói chung và phim ảnh nói riêng, đầu tư lắm tiền của và huy động (thuê) nhiều nghệ hiệu có khi lại chẳng mang lại hiệu quả mong muốn. Đấy là điểm khác biệt giữa sản xuất hàng hóa công nghiệp và hàng tiêu dùng với hàng hóa thuộc lĩnh vực tinh thần.

Càng xem càng... thất vọng

Những cái tên như: NSƯT Mạnh Cường, NSƯT Lê Vy, danh hài Xuân Bắc, Lê Vũ Long, Kiều Thanh, Quỳnh Hoa, Kiều Anh, Vi Cầm, chàng Việt kiều Lâm Vissay, người mẫu teen gốc Việt Andrea...mới nghe ai cũng tưởng là họ sẽ làm nên chuyện. Ai cũng nghĩ với họ, vai diễn không chỉ là công việc mà còn là những trải nghiệm, để cống hiến, hy sinh hết mình vì nghệ thuật. Cũng tương tự như vậy, NSƯT Quốc Trọng cũng đã từng chia sẻ với báo giới: “Đây là phim đầu tiên chúng tôi ra nước ngoài để làm. Đây cũng là một sự cố gắng hết sức của anh em đoàn làm phim nhằm tạo một hướng đi mới. Chúng tôi muốn hướng tới, khi cộng đồng người Việt xa xứ thì nền tảng văn hóa Việt vẫn phải được giữ và có xu thế hướng về cội nguồn. Đó cũng là điều đoàn làm phim muốn gửi gắm”. Tất cả những điều nói trên có thể đúng, nhưng chỉ mới là ý muốn chủ quan của người trong cuộc, còn thực chất họ “diễn” ra sao có được như điều mà họ và công chúng mong muốn hay không lại là một câu chuyện khác.

Các diễn viên như Mạnh Cường (vai Lê), Xuân Bắc (luật sư Vinh), Lê Vy (vai Tình), Kiều Thanh (vai Phương) diễn đều sến như nhau, chẳng hề thấy hồn vía, số phận đâu mà chỉ thấy họ “diễn” như là để lấp đầy khuôn hình trong mỗi “đúp” quay. Còn hai nữ diễn viên đã từng gây được ấn tượng tốt trong các phim trước đây là Kiều Anh và Vi Cầm cũng chẳng hơn gì.

Vi Cầm trong vai cô bé Hà ở phim “Chuyện phố phường” là vai diễn có thân phận hẳn hoi, có những cung bậc xúc cảm riêng trong quá trình diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật. Vai diễn ấy là dấu mốc quan trọng tạo nên nghệ hiệu cho Vi Cầm. Những phim sau này, dường như Vi Cầm không còn giữ được lối diễn xuất có hồn ấy, nhất là hai phim hiện đang chiếu trên VTV1 là “Hai phía chân trời” và “Ông tơ, hai phẩy”.

Còn Kiều Anh xuất thân từ một diễn viên múa cũng như NSƯT Lê Vy, nhưng lại khá có duyên với màn ảnh nhỏ qua phim mới chiếu hồi giữa năm ngoái “Những công dân tập thể”. Dù đây là bộ phim mang đậm chất hài, nhưng Kiều Anh vẫn tạo ra cho mình một đất diễn riêng, khi cô vào vai Dương, một trí thức có nghị lực, một người con, người vợ và người mẹ sống trọng tình nghĩa, có trách nhiệm với gia đình, nên đã biết tha thứ cho người chồng lông bông Kỉnh (do Công Dũng đóng). Tiếc thay đến “Hai phía chân trời” dường như do thời tiết bên châu Âu quá lạnh nên hai cô gái trẻ xinh đẹp này cũng đã bị “đơ”, khiến người xem cảm thấy họ là những cô robot, tất cả đều làm theo sự chỉ đạo của người khác.

Còn danh hài Xuân Bắc trong vai luật sư Vinh như là bị “bỏ bom”. Dường như đây không phải là đất diễn thuận tay của anh, nên Xuân Bắc chỉ có thể “diễn trình”. Với Xuân Bắc trong khoảng chục năm trở lại đây, không “diễn trò”, thì chỉ còn có “diễn trình”, tức là nói cho xong việc, diễn cho đủ khuôn hình. Ngay cả cảnh quay anh ngồi quay lưng lại nghe Vi Cầm kéo violon cũng giả tạo một cách sống sượng.

Đành rằng đây là bộ phim đầu tiên được sử dụng công nghệ HD, nên đã đem lại hiệu quả hình ảnh khá đẹp và sắc nét. Đành rằng có những cảnh quay “rợn người” gây được xúc động đôi chút cho người xem. Nhưng một bộ phim dài 36 tập không thể định tính bằng vài cảnh quay.

Theo tôi, cái thiếu nhất của những người làm phim chính là sự am tường cuộc sống mưu sinh của những người xa xứ. Tất cả họ, phần lớn đã đi nước ngoài nhưng không phải để mưu sinh, mà chỉ là những người cưỡi ngựa xem hoa, làm sao họ có những trải nghiệm cần thiết để vào vai nhân vật. Ngoài một chút kinh nghiệm cá nhân tại Việt Nam, làm sao họ có thể đem kinh nghiệm diễn thay cho kinh nghiệm sống, cái làm nên tính chân thực và sự hấp dẫn của mỗi bộ phim được. Vậy nên nhiều người bảo rằng càng xem càng thất vọng cũng có lý.  

  Quang



Ý kiến của bạn