Trung tâm HSTC điều trị COVID-19 Đồng Nai đã thực hiện nhiều ca lọc máu, 2 ca ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo), tín hiệu vui là có 1 ca chạy ECMO ngày thứ 19 đã được cai máy.
Báo SK&ĐS đã phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương kiêm Giám đôc Trung tâm HSTC người bệnh COVID-19 tỉnh Đồng Nai.
"Một đội" chống dịch
PV: Thưa ông, lý do nào để Bộ Y tế giao cho BV Phổi Trung ương triển khai Trung tâm HSTC điều trị COVID-19 tại Đồng Nai và việc triển khai cơ sở hạ tầng được triển khai như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Đứng trước tình hình dịch COVID-19 ở làn sóng thứ 4 tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, mặc dù đã thực hiện giãn cách xã hội nhiều lần nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Hệ thống y tế tại địa phương quá tải.
Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra quyết định hỗ trợ mạnh mẽ từ lực lượng chủ lực của Trung ương thành lập các Trung tâm Hồi sức tích cực tại các địa phương.
Những Trung tâm này được coi như là 1 điểm tựa cao nhất về chuyên môn kỹ thuật giúp điều trị các bệnh nhân nặng ở tầng thứ 3 trong mô hình tháp điều trị 3 tầng, giảm tải cho y tế địa phương và là giải pháp cứu người, nhằm giảm nhanh tỷ lệ tử vong.
Bệnh viện Phổi Trung ương là Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về hô hấp, đã có kinh nghiệm hàng chục năm làm công tác chống lao – một bệnh lây nhiễm có nhiều tương đồng với COVID- 19, vì vậy bệnh viện đã được giao thiết lập Trung tâm HSTC tại Đồng Nai với quyết định ban đầu là 500 giường.
Trung tâm trực thuộc Bệnh viện Phổi Trung ương và huy động thêm nhân lực từ BV K và các nguồn lực hợp pháp khác.
Sau khi trao đổi, khảo sát cùng Sở Y tế Đồng Nai, chúng tôi đã quyết định thiết lập Trung tâm HSTC này tại BVĐK Thống Nhất Đồng Nai là một BVĐK lớn của tỉnh quy mô 1.000 giường và đặc biệt có toà nhà 9 tầng đang hoàn thiện biệt lập với phần còn lại của bệnh viện.
Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng chỉ còn là hệ thống khí và giường bệnh, do vậy có thể nói là khá thuận lợi.
Chỉ trong thời gian ngắn, bồn oxy 32 khối đã được lắp đặt vận hành bổ sung cho 2 bồn 5 khối đã có từ trước.
Hệ thống bảng biểu chỉ dẫn đi một chiều phòng chống nhiễm khuẩn và trang thiết bị máy móc được đem từ Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện K và huy động xã hội để Trung tâm đủ năng lực cấp cao nhất về hồi sức tích cực.
PV: Là một bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về hô hấp từ Hà Nội vào phối hợp với BVĐK tuyến tỉnh để điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, ông có thuận lợi và khó khăn gì ?
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Thuận lợi lớn nhất của chúng tôi là được Đồng Nai "yêu quý", Sở Y tế và BVĐK Thống Nhất đã chia sẻ tất cả các phương án chống dịch của địa phương và chúng tôi đã hoà thành "một đội" chống dịch của tỉnh.
Nhờ đó đã khai thác được tối ưu lợi thế sẵn có của các bên để xây dựng năng lực tốt nhất ứng phó với tình hình dịch khó lường tại địa phương.
Để phối hợp tốt với địa phương, chúng tôi nghiên cứu rất kỹ về mặt dịch tễ, về từng biện pháp can thiệp chống dịch từ khâu cách ly đến xét nghiệm đặc biệt là ở hệ thống điều trị từ mức nhẹ đến nặng.
BV Phổi Trung ương là bệnh viện đầu ngành về hô hấp bao gồm bệnh lao. Lao và COVID-19 đều là bệnh lây nhiễm có những điểm tương đồng, vì vậy kinh nghiệm mấy chục năm đã được phát huy với góc nhìn của chuyên môn dịch tễ.
Ví dụ, xác định mục đích của chúng ta là dập tắt đại dịch, nhưng mục tiêu của chúng ta cụ thể là gì? Đó là phát hiện sớm, cho thật hết, bóc tách nguồn lây ra khỏi cộng đồng nghĩa là cách ly, có thể tập trung, có thể tại nhà nếu đủ điều kiện, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu cách ly.
Vấn đề xét nghiệm cực kỳ quan trọng, xét nghiệm sàng lọc xét nghiệm khẳng định, vấn đề phân quyền tự xét nghiệm cho các công ty và nâng cao tốc độ xét nghiệm khẳng định bằng RT - PCR. Chúng tôi cũng đã hỗ trợ xét nghiệm Xpert là loại RT - PCR đóng kín thời gian chỉ 45 phút để phát hiện khẳng định nhanh, để ra các quyết định cách ly bảo vệ bệnh viện.
Điều trị là vấn đề nhiệm vụ chính được phân công của Bộ Y tế. Cần có phác đồ rất rõ ràng, phân loại mức độ bệnh và quá trình theo dõi bệnh để giảm tải hệ thống y tế và giảm tử vong.
Chúng tôi đã quan sát và nghiên cứu kỹ các trường hợp tử vong để tìm giải pháp hiệu quả nhất, không thể chỉ tập trung vào điều trị HSTC mà phải ngay từ ban đầu tức là cả 3 tầng điều trị phải chuẩn và điều phối nhịp nhàng hợp lý và kịp thời.
Nói đến sự phối hợp như vậy nghĩa là thuận lợi là cơ bản, khó khăn chủ yếu là khó khăn chung cùng phải vượt qua, đại dịch lớn quá, chưa có tiền lệ.
Là bệnh viện chuyên khoa, số nhân lực chỉ gần 1.000 cán bộ. Bệnh viện chúng tôi vừa thực hiện nhiệm vụ kép, vừa khám chữa bệnh chuyên ngành hô hấp và lao.
Thời gian này, rất nhiều bệnh nhân nặng, dù có giãn cách, khó thở cũng không ai trì hoãn đến bệnh viện được, vừa chỉ đạo chương trình chấm dứt bệnh lao toàn quốc.
Nhiệm vụ chống dịch tại Hà Nội và đảm trách tiêm chủng cho các cơ quan và các đoàn quốc tế tại Hà Nội, do vậy huy động một số lượng lớn các bộ chuyên môn cao vận hành trung tâm HSTC là một khó khăn lớn.
Nhưng tư tưởng chỉ đạo đã thông suốt thì khó khăn đến mấy chúng tôi cũng đã và sẽ vượt qua vì chúng tôi mong muốn góp sức nhỏ bé của mình vào thời điểm mà người dân Đồng Nai cần nhất để sớm nhất có thể đưa cuộc sống trở lại tình trạng bình thường mới.
5% người bệnh chuyển nặng và nguy kịch phải điều trị tại các trung tâm HSTC.
PV: Ông có thể nói rõ hơn sự hỗ trợ hệ thống điều trị COVID- 19 của Trung tâm như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Như trên tôi đã nói, muốn giảm tử vong, điều trị ở tầng 1 và tầng 2 là rất quan trọng, làm sao để người bệnh không chuyển nặng, các can thiệp điều trị phải chuẩn và càng sớm càng tốt, không chỉ đợi đến nặng mới điều trị.
Chúng tôi đã ban hành sổ tay điều trị COVID -19 trước ICU, tức là trước khi phải vào HSTC, cần làm gì ở mức độ nhẹ, mức độ trung bình và mức nặng nhưng chưa cần thở máy.
Thầy thuốc BV Phổi Trung ương chăm sóc bệnh nhân thực hiện ca ECMO
Mỗi người bệnh đều cần 4 cấu phần điều trị phù hợp đó là tư vấn tâm lý, tập luyện phục hồi chức năng hô hấp, dinh dưỡng hợp lý và dùng thuốc.
Trong đó 3 cấu phần không dùng thuốc đóng vai trò hết sức quan trọng với những trường hợp mới mắc và bệnh nhẹ để có nhiều sức đề kháng, không chuyển nặng thì sẽ giảm tỷ lệ phải vào ICU.
Cấu phần thứ nhất là tư vấn tâm lý: Khi người bệnh bị stress, mệt mỏi, sức miễn dịch sẽ giảm dẫn đến không kháng cự được virus. Do đó, tư vấn tâm lý cho người bệnh cần được quan tâm.
Thứ 2, sau khi tâm lý ổn định rồi phải tập luyện. Tập luyện phục hồi và tăng cường chức năng hô hấp. Không chỉ mỗi tập thở mà cần phải vận động, các động tác dưỡng sinh, cách thức tập thở như thế nào kể cả tư thế, rất quan trọng.
Thứ 3, dinh dưỡng rất quan trọng. Người nhiễm COVID-19 cần phải được ăn đủ chất. Chúng tôi tham gia tư vấn cho bộ phận hậu cần ở các khu cách ly tập trung.
Đó là 3 cấu phần không dùng thuốc.
Còn cấu phần về thuốc, dựa trên các bằng chứng quốc tế và đặc biệt trên các hướng dẫn của Bộ Y tế, chúng tôi đưa ra phác đồ đơn giản để các thầy thuốc dễ tiếp cận và áp dụng hiệu quả.
Tất cả chỉ có 5 trang A4, tài liệu bỏ túi này có thể giúp ích cho điều trị tầng 1 và tầng 2 hiệu quả để giảm nhu cầu của tầng 3 và vì thế sẽ giảm tỷ lệ tử vong.
Tuy nhiên, dù có điều trị tốt ở tầng 1 và tầng nào, cũng có khoảng 5% người bệnh chuyển nặng và nguy kịch phải điều trị tại các trung tâm HSTC.
PV: Trung tâm HSTC của BV Phổi đặt tại Đồng Nai hoạt động ra sao, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn VIết Nhung: Trung tâm của chúng tôi bắt đầu bằng 50 giường với 12 máy thở, chúng tôi đặt các chỉ tiêu theo từng giai đoạn, giai đoạn 1 hoàn chỉnh 50 giường HSTC đạt chuẩn ngay lập tức.
Vì vậy, sau khi có quyết định phân công của Bộ trưởng Y tế, Bệnh viện phổi Trung ương và Bệnh viện K Trung ương đã huy động máy thở máy theo dõi bơm tiêm điện và các thiết bị đi kèm, máy X- quang tại giường kỹ thuật số, máy xét nghiệm Xpert Express và điều động nhân lực tinh nhuệ vào triển khai từ 2/8/2021.
Giai đoạn 2 là giai đoạn mở rộng thêm 2 tầng và hệ thống khí, oxy bồn. Lúc này chúng tôi huy động nhân lực và mua sắm trang thiết bị thuốc men, đặc biệt hệ thống oxy công suất cao 32 khối, đến nay Trung tâm đã có đủ 220 giường ICU với các trang thiết bị hiện đại tầm quốc gia.
Vì vậy mà các kỹ thuật cao đã được thực hiện. Có một trường hợp đầu tiên được chạy ECMO, lọc máu và thở máy ngày thứ 19, và đã cai được ECMO là một tin tốt lành.
Thêm vào đó có một trường hợp đang được lọc máu, ECMO và thở máy ngày thứ 8, cũng đang có những dấu hiệu tiến triển tốt. Chính vì vậy mà tỷ lệ tử vong đã giảm dần và hy vọng chúng ta có khống chế được dịch tại Đồng Nai.
Với cách làm việc lồng ghép đã tạo ra được những nhóm làm việc rất nhịp nhàng và tôi tin rằng đến khi hết dịch thì các kỹ thuật cao sẽ ở lại và tiếp tục phát triển phục vụ nhân dân địa phương.
Xuất hiện nhiều tín hiệu tốt lành
PV: Vâng, xin chúc mừng ông và các đồng nghiệp của ông đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Được biết vận hành Trung tâm HSTC là rất tốn kém với những cơ chế tài chính phức tạp, ông có thể chia sẻ về điều này không ?
PGS. TS Nguyễn Viết Nhung: Cảm ơn anh, đúng như vậy, chi phí cho những giường HSTC rất đắt tiền và BHYT cũng đưa ra những quy định khá phức tạp cho việc thanh toán ví dụ như thuốc chữa cho COVID thì kinh phí chống dịch từ ngân sách, thuốc chữa các bệnh đồng mắc thì nguồn bảo hiểm y tế, nhưng xét nghiệm COVID và đánh giá tình trạng chung của bệnh nhân chưa biết sử dụng nguồn nào.
Như trên tôi đã nói, chúng tôi là "một đội" không phân biệt trung ương hay địa phương mà phát huy tối ưu lợi thế của nhau, phân rõ trách nhiệm và có cơ chế uỷ quyền để BVĐK Thống Nhất thực hiện tốt nhất các vấn đề hậu cần cho Trung tâm hoạt động đạt hiệu quả cao.
Vận hành hàng ngày do Phó giám đốc thường trực của Trung tâm là Giám đốc BVĐK Thống Nhất được sự ủy quyền của Giám đốc BV Phổi Trung ương thay mặt BV Phổi Trung ương thực hiện công việc kể cả ký kết với BHYT để Trung tâm được vận hành tốt nhất.
BV Trung ương chỉ đảm trách phần chuyên môn, đúng nghĩa là hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật. Các kỹ thuật cao được ứng dụng, đào tạo, chuyển giao tại chỗ. Khi dịch qua đi, năng lực điều trị ở địa phương tiếp tục được phát huy vào công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn
Với sự hỗ trợ đặc biệt của Bộ Y tế, một hệ thống y tế Đồng Nai mạnh cùng sự sâu sát, nhiệt huyết của lãnh đạo Sở Y tế và BVĐK Thống Nhất, sự hỗ trợ của chúng tôi Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện 71 Trung ương dù có nhỏ bé cũng đã góp phần quan trọng vào cuộc chiến đẩy lùi đại dịch, đem lại bình yên cho nhân dân.
Tôi nhận thấy đã có những tín hiệu tốt trong điều trị của Đồng Nai khi ngày hôm qua, không ghi nhận trường hợp nào tử vong.
Chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng với các chiến lược tổng thể như vậy cùng với tỷ lệ tiêm vaccine tăng cường và sự tuân thủ của người thì dịch bệnh sẽ có thể sớm được kiểm soát để Đồng Nai có thể về đích trước thời hạn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông