Hy Lạp thoát hiểm

16-07-2015 08:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Eu duy trì được sự toàn vẹn của khu vực đồng euro sau 17 giờ đàm phán. Athens và các chủ nợ tìm được đồng thuận về một kế hoạch hỗ trợ thứ ba cho Hy Lạp.

Eu duy trì được sự toàn vẹn của khu vực đồng euro sau 17 giờ đàm phán. Athens và các chủ nợ tìm được đồng thuận về một kế hoạch hỗ trợ thứ ba cho Hy Lạp. Tuy nhiên, thỏa thuận vừa đạt được còn phải được Quốc hội của 19 nước thành viên thông qua.

Sự đồng thuận phút cuối đã cứu Hy Lạp.

Thỏa thuận vừa đạt được rất quan trọng bởi nó cho phép Hy Lạp ở lại trong khối euro. Các bên đã phải vượt qua những “bất đồng sâu rộng” để tìm ra lối thoát. Tổng thống Pháp François Hollande đã nỗ lực thuyết phục nước Đức giữ Hy Lạp lại trong khối euro. Trong lúc Berlin luôn tỏ lập trường cứng rắn, đòi Hy Lạp phải triệt để thanh toán nợ và cải tổ để tự tìm lấy con đường tăng trưởng. Thủ tướng Đức bà Angela Merkel luôn chủ trương: không giữ Athens lại trong khối euro “bằng mọi giá”. Cuối cùng, các bên đồng ý tiếp tục giúp Hy Lạp thêm khoảng từ 80 đến 83 tỷ euro nữa tránh để Athens mất khả năng thanh toán và phải bước ra khỏi khối euro. Nhưng để đổi lấy gói hỗ trợ thứ ba đó, các chủ nợ gồm Eu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đòi Athens cấp bách cải tổ theo một lịch trình rất sát sao. Trước mắt, đến  hạn chót ngày 15/7, Athens phải thông qua luật điều chỉnh mức thuế TVA, giảm lương hưu của một số thành phần, phải nhìn nhận tính độc lập của Viện Thống kê Quốc gia. Chính vì không độc lập với Nhà nước mà viện này đã công bố những thống kê sai lệch dẫn tới thảm họa của Hy Lạp ngày hôm nay. Vào ngày 20/7/2015, Hy Lạp sẽ phải tiếp tục giảm nhân sự và chi phí điều hành trong các ngành dịch vụ công cộng. Đến ngày 22/7/2015 sẽ phải điều chỉnh luật để cải tổ lại hệ thống ngân hàng, hệ thống tư pháp...

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đang phải đối mặt với một cuộc “nổi loạn” của các nghị sĩ trong chính đảng cầm quyền Syriza của mình sau khi Chính phủ nước này chấp nhận các điều kiện mà châu Âu đưa ra để đổi lấy “gói cứu trợ nhục nhã”. Chỉ vài giờ sau khi Chính phủ Hy Lạp đồng ý từ bỏ chính sách chống thắt lưng buộc bụng của mình để chấp nhận đàm phán với châu Âu về gói cứu trợ 86 tỉ euro, người ta đã bắt đầu nghi ngờ về việc Thủ tướng Tsipras có thể giữ được đoàn kết trong Chính phủ và đảng Syriza hay không. Những điều kiện mà các chủ nợ châu Âu đưa ra trong cuộc họp khẩn cấp xuyên đêm đã buộc ông Tsipras phải từ bỏ những lời hữa chấm dứt tình trạng thắt lưng buộc bụng mà ông đã đưa ra với các cử tri trước khi đắc cử.

Bất chấp cuộc trưng cầu dân ý với đa số nói “Không” với đòi hỏi của các chủ nợ, các đề nghị mới của Thủ tướng Hy Lạp được đánh giá là lặp lại gần như y nguyên các đòi hỏi của chủ nợ trước cuộc trưng cầu dân ý. Giới quan sát nhận định: “Thủ tướng Hy Lạp đã nhân nhượng đối với đa số các đòi hỏi của Bruxelles và IMF, chỉ chưa đầy một tuần sau khi quan điểm của ông được đa số cử tri ủng hộ trong cuộc trưng cầu dân ý. Tại sao lại có sự thay đổi quan điểm một cách đột ngột như vậy?”.

Về mặt đối nội, với việc “chìa tay ra với tất cả các lãnh đạo đối lập, ngay sau chiến thắng trưng cầu dân ý và mời họ tham gia đóng góp vào các cải cách cho đất nước, ông Tsipras đã vô hiệu hóa các đối thủ chính trị”. Sự lựa chọn mang tính chiến thuật - tổ chức trưng cầu dân ý của ông Tsipras có thể khiến nền kinh tế Hy Lạp phải trả giá vì nhiều ngày ngưng trệ, tuy nhiên, đối với đa số người dân Hy Lạp, thủ phạm chính của sự thiệt hại này là đòi hỏi cứng rắn của các chủ nợ, hơn là người đứng đầu Chính phủ.

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatseniuk cho rằng cách xử lý cuộc khủng hoảng Hy Lạp của châu Âu là một “thảm họa chính trị”. Ông Yatseniuk đã “than vãn” với các phóng viên của tờ Financial Times rằng, khủng hoảng Hy Lạp đang thu hút quá nhiều sự chú ý của thế giới cũng như nguồn lực tài chính châu Âu. Trong khi đó, Ukraine vẫn đang gặp rắc rối với xung đột quân sự trong nước cũng như tranh cãi với Nga về khí đốt và đáng ra nên là thị trường cần được giúp đỡ tài chính hơn.

Theo Thủ tướng Yatseniuk, nền kinh tế Ukraine hiện đã suy giảm 20% và có dân số gấp 4 lần Hy Lạp. Tuy nhiên, quốc gia này chỉ nhận được cam kết cứu trợ 25 tỷ USD trong 4 năm tới từ IMF, Ngân hàng Thế giới (WB) và những tổ chức tài chính khác. Trong khi đó, chính quyền Athens đã nhận được 300 tỷ euro và hiện có thể được cứu trợ thêm 60-80 tỷ euro nữa. Ông Yatseniuk cho rằng, động thái cứu trợ Hy Lạp của châu Âu là một hành động vô trách nhiệm về chính trị và làm tổn thương những Chính phủ khác trong công cuộc cải cách khó khăn hiện nay.

 (Theo AFP, Le Monde)

Phạm Quỳnh

 

 


Ý kiến của bạn