Giới lãnh đạo các nước dùng đồng euro cùng lên tiếng hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận trong vài ngày tới để giúp Hy Lạp khỏi vỡ nợ. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói các đề xuất mới của Hy Lạp đưa ra có “một số tiến bộ”. Nhưng bà nói cần phải triển khai thêm nữa và “thời gian không còn nhiều”.
Dân Hy Lạp biểu tình trước những yêu cầu khắt khe của chủ nợ.
Hy Lạp phải trả 1,6 tỉ euro Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho vay vào cuối tháng này, bằng không sẽ có nguy cơ bị loại khỏi khu vực dùng đồng tiền chung euro. Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Hy Lạp đưa ra cơ chế thuế mới cho doanh nghiệp và người giàu theo đó ông hy vọng có thể khai thông bế tắc với các chủ nợ. Kế hoạch này được giới lãnh đạo 18 nước dùng euro đón nhận lạc quan một cách dè dặt khi họ nhóm họp thượng đỉnh khẩn cấp ở Brussels. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã gặp người đứng đầu ba chủ nợ của họ là IMF, Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Tổng thống Pháp Francois Hollande cảnh báo rằng “cần làm mọi điều có thể” để giữ Hy Lạp trong khu vực sử dụng đồng euro. Các cuộc thương lượng đã bế tắc 5 tháng nay khi EC, IMF và ECB không muốn mở khóa quỹ cứu trợ tài chính 7,2 tỷ euro chừng nào Hy Lạp không đồng ý cải cách kinh tế.
Người đứng đầu Văn phòng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Martin Selmayr nói rằng, đề xuất mới nhất của Hy Lạp đã được gửi tới các chủ nợ của nước này. Ông nói nó có thể dẫn tới tiến bộ trong thương lượng. Thủ tướng Tsipras đã đưa ra đề xuất mới cho gói cải cách và đây được nhiều người xem như dấu hiệu cho thấy Chính phủ Hy Lạp đồng ý nhượng bộ. Đề xuất mà ông Tsipras mô tả là “các bên cùng có lợi” được thông qua tại cuộc họp khẩn của nội các Hy Lạp nhưng chi tiết chưa được công bố. Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã kêu gọi cả hai bên nắm lấy cơ hội giải quyết khủng hoảng. Người đứng đầu ngân hàng lớn nhất của Hy Lạp Louka Katseli trước đó nói thật là “điên rồ” nếu như không cố gắng đạt thỏa thuận tại Brussels. Bà Katseli - Chủ tịch Ngân hàng quốc gia Hy Lạp cho biết, tuy các ngân hàng chưa hết tiền ngay lập tức, tình hình khá nghiêm trọng và có thể còn trầm trọng hơn nếu như không đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, bà cho rằng Hy Lạp sẽ không thể bị buộc rời khỏi khu vực sử dụng đồng euro vì hậu quả đối với các nước khác sẽ quá lớn.
Người dân Hy Lạp rút tiết kiệm hàng tỷ euro trong những ngày gần đây gây áp lực khổng lồ lên hệ thống ngân hàng. Trong 5 tháng qua kể từ khi đảng Syriza lên cầm quyền, mọi người đã phải thận trọng trước những tuyên bố lạc quan cho rằng Athens và các nhà tài trợ đang tìm ra đồng thuận để Hy Lạp được tháo khoán nốt khoản tín dụng hơn 7 tỷ euro. Nhưng rồi thực tế cho thấy kết quả không đi đến đâu. Hy Lạp vẫn trong tình trạng bế tắc. Do vậy, dù một cộng tác viên của Chủ tịch châu Âu Jean-Claude Junker đã tỏ ra lạc quan khi nói tới “một tín hiệu tích cực”, nhưng không mấy ai dám nghĩ là Athens và các chủ nợ đã san bằng được những bất đồng. Cũng không ai mạnh dạn báo trước kết quả các cuộc họp tại Brussels.
Đây là chặng cuối cùng cuộc chạy đua việt dã kéo dài từ nhiều tháng qua. Bởi Hy Lạp chỉ còn vài ngày để thanh toán nợ đáo hạn cho IMF trước hạn chót vào cuối tháng 6/2015. Vào lúc Hy Lạp đã bị dồn vào chân tường, có nhiều tiếng nói đòi Athens đưa ra những đề nghị “cụ thể” phải “thực tế” hay “bày tỏ thiện chí đối thoại”. Theo một số nhà quan sát, trước mắt Hy Lạp vẫn không nhượng bộ trên một số điểm như là vấn đề hưu bổng và lương của người lao động. Tuy nhiên, chính quyền Athens đồng ý nhanh chóng cải tổ về hệ thống thuế khóa, đặc biệt là thuế đánh vào các doanh nghiệp và nhà thờ. Tất cả các nhà phân tích đều đánh giá cuộc họp này ở Brussels là cơ hội cuối cùng để Hy Lạp tìm được đồng thuận với các nhà tài trợ. Bằng không, có nhiều khả năng Hy Lạp phải ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Kịch bản Hy Lạp phải rời khu vực Eurozone đã được các bên công khai đề cập đến. Cho dù như lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew, “không thể đoán trước được phản ứng của thị trường nếu Hy Lạp phải từ bỏ đồng euro”. Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin cũng quan niệm rằng, viễn cảnh nói trên mở ra một thời kỳ đầy bất trắc với những tác động khó lường kể cả đối với Hy Lạp lẫn 18 nước còn lại trong khu vực đồng euro.
(Theo AFP, Bloomberg)
Quỳnh Diệp