Hy lạp-EU chia lìa?

16-06-2015 10:56 | Quốc tế
google news

SKĐS - Các cuộc thương lượng trong hai ngày cuối tuần 13 và 14/06/2015 tại Bruxelles giữa chính phủ Hy Lạp và đại diện các định chế tài chính một lần nữa thất bại

Các cuộc thương lượng trong hai ngày cuối tuần 13 và 14/06/2015 tại Bruxelles giữa chính phủ Hy Lạp và đại diện các định chế tài chính một lần nữa thất bại. Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố « kiên nhẫn » chờ các nhà tài trợ đặt điều kiện « thực tế » hơn trong việc thúc đẩy Hy Lạp cải cách mà mức độ thắt lưng buộc bụng đã đến cùng cực.

Hy Lạp ra khỏi khu vực Eurozone là một đòn giáng mạnh vào EU

Sau hai ngày đàm phán không ngưng nghỉ, hai bên chỉ đưa ra được một bản thông cáo với lời lẽ chua chát chứng tỏ không bên nào hiểu bên nào. Châu Âu muốn Hy Lạp cắt giảm chi tiêu trong nước tương đương 2,2 tỉ USD thì mới giải ngân gói cứu trợ tài chính 8,1 tỉ USD. Đây là gói cứu trợ sống còn đối với Hy Lạp bởi nước này phải trả 1,8 tỉ USD cho IMF vào cuối tháng 6, khoảng 7,5 tỉ USD khác cho ECB trong tháng 7 và tháng 8. Gói cứu trợ quốc tế dành cho Hy Lạp cũng hết hạn vào cuối tháng 6. Về phần mình, Hy Lạp cho rằng nước này đã đi đến giới hạn tận cùng của sự chịu đựng, không thể tiếp tục chính sách cắt giảm, “thắt lưng buộc bụng” nữa nếu không sẽ dẫn đến những đổ vỡ xã hội.Chỉ trích những yêu cầu của các chủ nợ quốc tế là "vô lý" và quá khắt khe, đại diện Chính phủ Hy Lạp, ông Gavriil Sakellaridis tuyên bố nước này không có ý định đưa ra đề xuất mới để nối lại đàm phán với các chủ nợ và sẽ "kiên nhẫn chờ đợi" cho tới khi các chủ nợ có quan điểm "thực tế hơn".Tuyên bố trên của Athens đặt ra mối nghi ngờ vào một kết quả tích cực trong cuộc họp các bộ trưởng tài chính dự định tổ chức tại Luxembourg ngày 18/6 này về vấn đề nợ của Hy Lạp.

Vậy mà chỉ còn đúng hai tuần, vào cuối tháng sáu, là đến kỳ hạn chót Athens phải trả món nợ 1,6 tỉ euro vay của IMF. Hy lạp không thể trả món nợ đáo hạn này nếu không được các nhà tài trợ tháo khoán 7,2 tỉ euro đang bị đình chỉ từ mùa hè năm 2014. Thủ tướng Hy Lạp khẳng định đã cung cấp cho Liên Hiệp Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế một «dự án và đề nghị có tài liệu dẫn chứng ».Thủ tướng cánh tả Hy Lạp khẳng định là các nhà tài trợ chỉ biết có một việc là ép buộc Hy Lạp cắt giảm ngân sách xã hội, cấp dưỡng hưu bổng cho người già. Ông kêu gọi các nhà tài trợ suy ngẫm hai điểm: chính phủ Hy lạp không những là thừa kế một dòng lịch sử tranh đấu lâu dài mà còn mang trên vai danh dự và nhân phẩm của một dân tộc.

Đối với Berlin, quả bóng đang nằm « trong chân » Hy Lạp. Tổng thống Pháp kêu gọi Athens trở lại bàn đàm phán «càng sớm càng tốt» trong khi Ngoại trưởng Tây Ban Nha nhận định Hy lạp có nguy cơ «thật sự» phải ra khỏi vùng euro, với những hệ quả không tốt cho Eu và tồi tệ cho nhân dân Hy Lạp. Đổ vỡ trong đàm phán cũng đồng nghĩa với việc Hy Lạp không tránh khỏi phá sản, và phải ra khỏi Eurozone.

Kịch bản Hy Lạp ra khỏi khu vực Eurozone là một đòn giáng mạnh vào EU. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cho rằng sự ra đi của Hy Lạp khỏi Eurozone có thể gây thiệt hại hàng ngàn tỉ euro cho kinh tế thế giới, bên cạnh những tổn thất nặng nề về chính trị khi “các nhà đầu tư, công dân, các bên có liên quan nhận ra EU không phải là một khối thống nhất”.

Tuy nhiên, Đức, đầu tàu kinh tế của EU tiếp tục tỏ ra cứng rắn. Ngày 14/6, Phó Thủ tướng, đồng thời là Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel đã bác bỏ việc cứu Hy Lạp, “bằng mọi giá”. Ông Gabriel cho rằng không chỉ thời gian đã cạn, mà sự kiên trì của nhiều nước châu Âu cũng đã hết. Theo ông, quan điểm của Chính phủ Hy Lạp cho rằng các nước châu Âu cần phải chung tay làm tất cả vì lo sợ sự đổ vỡ của Athens là điều không xảy ra và châu Âu sẽ không sợ bị đe dọa vì điều này.

Một quan chức Athens cho rằng cuộc đàm phán thất bại là lỗi của IMF, chủ nợ cứng rắn nhất của Hy Lạp. IMF vẫn buộc kế hoạch cải tổ của quốc gia gần Địa Trung Hải phải bao gồm việc tiếp tục cắt giảm lương hưu, tăng thuế giá trị gia tăng với các hàng hóa cơ bản như điện. Mọi cặp mắt trên thị trường tài chính hôm nay đều hướng về Hy Lạp với mối lo lớn nhất từ trước đến nay về việc Hy Lạp sẽ ra khỏi eurozone sau 5 năm khủng hoảng.

Thị trường chứng khoán Athens giảm điểm mạnh khi có thông tin cho rằng các nước eurzone đang chuẩn bị kế hoạch dự phòng cho trường hợp Hy Lạp vỡ nợ.

Hiện Hy Lạp đang bị “chôn vùi” trong núi nợ tương đương đến 180% GDP. Cuối tháng này, Athens cần trả khoản tiền tương đương 1,8 tỉ USD cho IMF và khoảng 7,5 tỉ USD khác cho ECB trong tháng 7 và tháng 8. Quan chức Hy Lạp nói rằng chính phủ nước này không đủ khả năng chi trả.

 

Lê Sơn (theo AFP, Bloomberg)

 

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn