Hy hữu: Tình cờ phát hiện ung thư máu sau khi bị râu tôm chọc vào ngón tay

31-08-2023 16:43 | Y tế

SKĐS - Ngày 31/8, thông tin từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, các bác sĩ tại đây vừa tiếp nhận điều trị trường hợp bệnh nhân khá hy hữu: Tình cờ phát hiện ung thư máu sau khi bị râu tôm chọc vào ngón tay.

Ung thư máu mạn tính nhiều trường hợp chỉ tình cờ phát hiện khi khám, xét nghiệm tầm soát sức khoẻ

Đó là bệnh nhân H. T. M. 54 tuổi. Trước đó bệnh nhân có tiền sử khoẻ mạnh. 10 ngày trước khi vào viện, bà M. bị râu tôm chọc vào ngón tay phải khiến ngón tay sưng nề, tấy đỏ, đau nhiều. Bệnh nhân đi chích rạch tháo mủ tại phòng khám tư. Sau vài ngày, bệnh nhân đi khám tại bệnh viện đa khoa tỉnh phát hiện Bạch cầu, Tiểu cầu tăng cao. Bên cạnh đó, bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng Lách to.

Tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh Bạch cầu tuỷ mạn (ung thư máu mạn tính). Trải qua 10 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện, về uống thuốc tại nhà và tái khám thường xuyên theo lịch hẹn của bác sĩ.

Theo ThS.BS. Nguyễn Quốc Nhật, Phó trưởng khoa Điều trị hoá chất - Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, bệnh ung thư máu mạn tính nhiều trường hợp chỉ tình cờ phát hiện khi khám, xét nghiệm tầm soát sức khoẻ hoặc khi đi khám vì một vấn đề sức khoẻ liên quan nào đó. 

Hy hữu: Tình cờ phát hiện ung thư máu sau khi bị râu tôm chọc vào ngón tay  - Ảnh 1.

Nhiều bệnh sẽ có một hoặc một số biểu hiện bất thường của cơ thể để cảnh báo người bệnh. Tuy nhiên, có không ít người đã phát hiện mắc bệnh ung thư máu trong trường hợp hy hữu.

Do đó, khi có dấu hiệu bất thường về sức khoẻ, người dân không nên chủ quan mà cần đi khám ngay. Ngoài ra, khám sức khoẻ định kỳ hàng năm cũng vô cùng quan trọng để kiểm soát sức khoẻ của mình và phát hiện bệnh ở giai đoạn "mầm mống".

Bên cạnh những trường hợp phát hiện bệnh ung thư máu mà không có biểu hiện gì, có những ca bệnh mà triệu chứng dễ dàng nhận biết.

Anh P. V. T., một bệnh nhân của Khoa Điều trị hoá chất, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương được chẩn đoán mắc Bạch cầu tuỷ cấp (ung thư máu cấp tính). Tiên lượng chung với thể bệnh này khá xấu. Hiện anh T. đang điều trị hoá chất tích cực tại Viện. 

Tuy nhiên các bác sĩ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho hay người mắc bệnh này có những biểu hiện dễ nhận biết hơn như: mệt mỏi, sốt, da xanh nhợt nhạt, có thể có cả nhiều nốt xuất huyết trên da và chảy máu, một số trường hợp có cả hạch to, lách to…

Các triệu chứng ban đầu của ung thư máu cần biết

Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào thời điểm và thể bệnh ung thư máu cấp tính, có thể bao gồm:

  • Sốt kéo dài, dễ nhiễm trùng, ra nhiều mồ hôi đêm. 
  •  Gầy sút cân nhanh, xanh xao, mệt mỏi. 
  •  Gan to, lá lách to, hạch to, phì đại lợi, đau xương. 
  •  Xuất huyết trên da hay chảy máu khó cầm…

Đối với bệnh ung thư máu mạn tính, các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và thể bệnh: Giai đoạn đầu của bệnh có thể có các triệu chứng như mệt mỏi, gầy sút cân, mất ngủ, ra nhiều mồ hôi trộm… nhưng cũng có những trường hợp không có triệu chứng gì như trường hợp bệnh nhân M. nêu trên.

Ở giai đoạn bệnh tiến triển hoặc giai đoạn muộn, các triệu chứng của bệnh thường biểu hiện rõ hơn như thiếu máu, gan lách to, hạch to, thậm chí cả biểu hiện của tắc mạch máu do bạch cầu tăng cao hay tình trạng nhiễm trùng tái diễn do suy giảm miễn dịch. 

Sau khi có kết quả xét nghiệm máu, nếu nghi ngờ ung thư máu người bệnh sẽ được chỉ định làm thêm xét nghiệm tủy đồ và/hoặc sinh thiết tủy xương để chẩn đoán xác định bệnh. Đồng thời làm thêm các xét nghiệm di truyền, miễn dịch, chẩn đoán hình ảnh và các xét nghiệm khác để phân loại thể bệnh, giai đoạn bệnh, phân nhóm nguy cơ, theo dõi điều trị.

Ai có nguy cơ mắc ung thư máu?

Mặc dù các chuyên gia không chắc chắn về nguyên nhân gây ra ung thư máu cấp tính, tuy nhiên họ đã xác định được một số yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm:

– Tiếp xúc với tia xạ.

– Tiếp xúc nhiều lần với một số hóa chất (ví dụ: benzen…).

– Nhiễm virus HTLV1, HTLV2.

– Sau hóa trị, sau các bệnh rối loạn sinh tủy/tăng sinh tủy ác tính

– Người mắc bệnh di truyền như hội chứng Down…

Bộ Y tế: Cơ sở khám chữa bệnh trực 24/24h dịp Lễ 2/9, không được xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứuBộ Y tế: Cơ sở khám chữa bệnh trực 24/24h dịp Lễ 2/9, không được xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứu

SKĐS - Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh bố trí phân công cán bộ trực 24/24 giờ trong những ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9; đảm bảo các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác khám chữa bệnh; Không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ trường hợp cấp cứu.

Thái Bình
Ý kiến của bạn