Tại Bệnh viện Nhân Dân 115. các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp sau chấn thương ngực kín.
Theo lời kể của người nhà trước khi nhập viện, chị T.T.P.V. (35 tuổi, ở TPHCM) bị té ngã do va chạm với xe đạp khi đang đi bộ, ngã đập phần trước ngực xuống đất, không chấn thương đầu và cơ quan khác, bệnh nhân không có mất ý thức, chỉ ê ẩm thành ngực sau té.
30 phút sau tai nạn, bệnh nhân đột ngột đau ngực sau xương ức, đau cảm giác bóp chặt ngực, mức độ nặng, đau xảy ra khi bệnh nhân đang ngồi nghỉ, không có tư thế giảm đau, đau lan ra sau lưng, kèm khó thở, vã mồ hôi, hoảng hốt nên bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Nhân Dân 115.
Một số hình ảnh chụp mạch vành của bệnh nhân.
Trước nay chị V. không có tiền căn bệnh lý tim mạch, chỉ có đau khớp gối, sử dụng thuốc tễ 2 tháng nay. Tiền sử sản khoa: sinh mổ, không tai biến sản khoa, con đầu tiên hiện 8 tuổi, hiện không dùng thuốc ngừa thai. Gia đình chị V cũng không có ai mắc bệnh tim mạch sớm.
Bệnh nhân vào viện với tình trạng đau ngực nhiều, tri giác tỉnh táo, các bác sĩ khám cho thấy dấu hiệu sinh tồn: ·Mạch: 120 l/ph,Huyết áp: 120/80 mmHg,·Nhiệt độ: 37 độ C,·Nhịp thở: 20 l/ph...Bệnh nhân có thể trạng trung bình, da niêm hồng, không phù, không sờ thấy hạch ngoại vi.
Khám tim mạch: mỏm tim ở liên sườn V giao đường trung đòn trái, tiếng tim đều, rõ, nhịp tim nhanh 120l/ph, không âm thổi, tĩnh mạch cổ không dãn, mạch ngoại vi sờ rõ.
Lồng ngực bệnh nhân cân đối, không ghi nhận vết thương hở, không ghi nhận tụ máu dưới da, rung thanh đều, ấn vào đau nhẹ ở gần mũi kiếm xương ức, không liên quan tính chất cơn đau sau xương ức. Các cơ quan khác trong giới hạn bình thường. Do vậy, chẩn đoán ban đầu là đau ngực nghĩ do tổn thương cơ tim trên nền dabệnh nhân chấn thương ngực kín.
Theo Bác sĩ Nguyễn Phạm Cao Minh- Khoa Tim mạch tổng quát, Bệnh viện Nhân Dân 115; Đây là một trường hợp bệnh nhân nữ trẻ (35 tuổi) không có tiền sử bệnh tim mạch trước đây, cũng như không có yếu tố nguy cơ tim mạch, vào viện trong bệnh cảnh nhồi máu cơ tim cấp vùng trước rộng sau chấn thương.
Tại thời điểm này, chúng tôi nghĩ đến khả năng nhồi máu cơ tim cấp do cơ chế chấn thương mạch vành sau chấn thương ngực đụng giập, cũng không loại trừ khả năng bệnh nhân đã có bệnh lý mạch vành do xơ vữa trước đây.
Các cơ chế tổn thương mạch vành chính sau chấn thương đụng giập theo các y văn hiện nay gồm có: Huyết khối trong lòng mạch vành sau chấn thương đụng giập cơ tim; Bóc tách nội mạc mạch vành sau chấn thương đụng giập cơ tim; Tình trạng xé rách mạch vành sau chấn thương đụng giập cơ tim. Khả năng rách mạch vành ít được nghĩ đến ở bệnh nhân này do không ghi nhận dịch màng tim ở cả 2 lần siêu âm tim cách nhau khoảng 46 giờ.
Tại thời điểm này bệnh nhân còn đau ngực dữ dội, được xử lý theo phác đồ nhồi máu cơ tim cấp với kháng đông, kháng kết tập tiểu cầu, ức chế men chuyển, statin, nitrate và giảm đau.
Bệnh nhân được tư vấn chụp mạch vành cấp cứu và can thiệp mạch vành. Kết quả cho thấy động mạch vành phải ưu thế; Tắc hoàn toàn LAD1, Hẹp 70-90% RCA2; Bệnh nhân được tiến hành can thiệp LAD1 không thành công, sau đó bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật bắc cầu mạch vành.
Bệnh nhân cải thiện sau phẫu thuật và được xuất viện sau 20 ngày điều trị tích cực tại bệnh viện.
Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân.
Theo BS Minh, bệnh nhân nữ trẻ không có tiền sử bệnh tim mạch cũng như yếu tố nguy cơ tim mạch, khởi phát nhồi máu cơ tim sau chấn thương đụng giập, được nghĩ đến do cơ chế tổn thương mạch vành sau chấn thương.
Tuy nhiên, kết quả chụp mạch vành có tổn thương nhiều mạch vành, mức độ nặng, đã có tuần hoàn bàng hệ nhiều, khả năng cao do bệnh lý xơ vữa mạch trước đó gây ra.
Vì vậy, đây là một ca lâm sàng hay, xảy ra trong bệnh cảnh hiếm gặp của nhồi máu cơ tim, có tổn thương mạch vành phức tạp, cần được chú ý và xử trí thích hợp để đem lại kết quả tốt cho bệnh nhân.
Vì vậy, đối với các trường hợp chấn thương ngực, đặc biệt là chấn thương ngực đụng giập [Blunt cardiac injuries (BCI)], triệu chứng đau ngực ở bệnh nhân cần được xem xét cẩn thận, thực hiện các phương pháp cận lâm sàng cần thiết để loại trừ nhồi máu cơ tim.
Cũng ở trường hợp bệnh nhân nêu trên, mặc dù bệnh nhân còn rất trẻ, yếu tố nguy cơ tim mạch trước đó không ghi nhận, kết quả khảo sát mạch vành vẫn có sang thương nặng, rộng, đa mạch máu, khả năng do bệnh lý xơ vữa cao. Vì vậy, việc khám sức khỏe định kỳ, thay đổi lối sống từ chế độ ăn uống, sinh hoạt đến luyện tập nên được đặt ra đối với mọi người, ở mọi lứa tuổi để có thể phòng tránh và điều trị kịp thời các bệnh lý tim mạch trong cộng đồng.