Hy hữu: Sau ngã bác sĩ chọc hút 2 lít dịch màu trắng như sữa ở phổi

05-12-2018 07:45 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ bệnh viện đại học Y Hà Nội vừa điều trị thành công một trường hợp sau chấn thương. Điều đáng nói là bác sĩ chọc hút 2 lít dịch màu trắng như sữa ở phổi. Đây là trường hợp hy hữu bị ngã cao va đập và được các bác sĩ chẩn đoán bị rò dưỡng chấp màng phổi.

Hút 2 lít dịch màu trắng như sữa ở phổi, bệnh nhân suy kiệt

Bệnh nhân Đ. Đ. T. 33 tuổi, tiền sử khoẻ mạnh đang là công nhân ở Quảng Ninh. Trước ngày vào viện 1 tháng, bệnh nhân xuất bị ngã cao va đập ở ngực nhưng không phải nhập viện.

Người nhà bệnh nhân kể, sau tai nạn 2 tuần, bệnh nhân xuất hiện khó thở và đau ngực phải, phía bị chấn thương. Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện tỉnh được chẩn đoán tràn dịch màng phổi phải số lượng nhiều và được chọc hút ra 2 lít dịch màu trắng như sữa. Thấy tình trạng bệnh phức tạp bệnh nhân được chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương để điều trị.

Theo ThS.BS Nguyễn Ngọc Cương,  bệnh nhân được chẩn đoán tràn dịch dưỡng chấp màng phổi và đặt dẫn lưu màng phổi theo dõi dịch chảy ra.

Dịch màng phổi chảy ra khi bệnh nhân được nuôi đường tĩnh mạch. Ảnh BSCC.

Giải thích về trường hợp bệnh nhân này, BS Cương cho biết: Tràn dịch dưỡng chấp màng phổi là bệnh lý rất phức tạp mà trước đây chỉ điều trị được bằng phẫu thuật nhưng tỷ lệ thành công của ca mổ cũng rất thấp. Sau 1 tháng liên tục, dịch màng phổi chảy ra khoảng 500 ml đến 1000 ml, tuỳ theo chế độ ăn. Khi ăn, đặc biệt là chế độ ăn có mỡ thì màu sắc sẽ trắng đục và số lượng tăng, khi nhịn ăn và nuôi dưỡng đường tĩnh mạch thì dịch trong hơn và ra số lượng ít hơn…

“Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tình trạng suy kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần do chứng kiến lượng dịch dưỡng chấp chảy ra hàng ngày”. BS Cương cho biết thêm.

Hút ra dịch dưỡng chấp để chứng tỏ đầu kim đúng trong mạch bạch huyết. Ảnh;BSCC

Bằng kỹ thuật chụp hiện hình đường bạch huyết, các bác sĩ điện quang can thiệp bệnh viện đại học Y Hà Nội đã bộc lộ được hình thái của đường bạch huyết. Đáng chú ý, ở bệnh nhân T. đường bạch huyết có biến thể về giải phẫu là không có một nhánh lớn dẫn dưỡng chấp lên ngực mà có rất nhiều nhánh nhỏ như mạng lưới đi dưới màng phổi phải để về tim. Chính vì thế một sang chấn ở ngực dẫn đến rách một hoặc một số kênh bạch huyết nhỏ gây nên rò dưỡng chấp vào khoang màng phổi.

Hồi phục hoàn toàn sau 7 ngày

Trước nhận định trên, các bác sĩ đã hội chẩn thống nhất phương pháp điều trị can thiệp tối thiểu qua da. Tuy nhiên vấn đề là nhánh bạch huyết tổn thương đi dưới màng phổi không xác định được trên các phương tiện hình ảnh và ngay trong trường hợp xác định được cũng khó tiếp cận được bằng dụng cụ do kích thước của mỗi nhánh bạch huyết nhỏ này khoảng 2 mm.

Bơm chất tắc mạch để nút kênh bạch huyết tổn thương.

Các bác sĩ điện quang can thiệp đã sử dụng máy chụp cắt lớp vi tính để định vị đường vào và chọc kim qua da vùng lưng để đi vào một nhánh bạch huyết lành. Sau khi chọc vào được nhánh bạch huyết bằng một kim nhỏ, các bác sĩ xác định điểm rò bằng bơm thuốc cản quang để khẳng định luồng thông với khoang màng phổi cũng là nguyên nhân rò dưỡng chấp của bệnh nhân nhiều tháng nay. Bệnh nhân được nút tắc nhánh bạch huyết rò bằng cồn tuyệt đối.

Ngay sau can thiệp 1 ngày số lượng dịch ra còn 50 ml, sau 2 ngày thì không còn ra thêm. Bệnh nhân bắt đầu ăn trở lại vào ngày thứ 3, rút dẫn lưu màng phổi ngày thứ 5 và hồi phục hoàn toàn sau 7 ngày can thiệp.


Rò dưỡng chấp màng phổi là bệnh lý rất phức tạp, trước đây nó là nỗi “ác mộng” của các bác sĩ phẫu thuật lồng ngực. Gần đây, nhờ sự phát triển về điện quang can thiệp đường bạch huyết mà từ chẩn đoán đến điều trị bệnh này đã hiệu quả hơn rất nhiều. Với can thiệp tối thiểu là chọc kim nhỏ trực tiếp qua da để đưa các dụng cụ vào chụp chẩn đoán và điều trị can thiệp, hiệu quả của điều trị được thấy rõ. Bệnh nhân chỉ phải gây tê tại chỗ nên hồi phục rất nhanh.

Được biết, bệnh viện Đại học Y Hà Nội là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam triển khai thành công nhiều trường hợp can thiệp phức tạp ở đường bạch huyết, mang lại thêm những cơ hội cho bệnh nhân.


Khánh Mai
Ý kiến của bạn