Đoạn đũa ngủ quên 4 năm trong hốc mắt
BS.CKII. Nguyễn Minh Hảo Hớn, Trưởng khoa Mũi Xoang, BV. Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết bệnh nhân 40 tuổi nhà ở Bình Thuận, vào viện với mắt phải chảy mủ, ápxe. Ban đầu bệnh nhân đến BV. Mắt rồi mới chuyển sang BV. Tai Mũi Họng.
Người bệnh cho biết, cách đây 4 năm khi anh đang ngồi nhậu tại quán bị một người lạ đâm nhưng không biết đâm bằng gì. Về cứ thấy đau, khó chịu, đến 2 năm sau bệnh trở nặng nhưng bác sĩ ở địa phương không chấn đoán được dị vật do phần mắt không để lại sẹo và bệnh nhân cũng kể mình từng bị đâm. Các bác sĩ cho uống thuốc kéo dài nhưng không khỏi, thời gian gần đây mắt bắt đầu chảy dịch mủ.
Tại BV. Tai Mũi Họng TP.HCM, kết quả chụp CT cho thấy dị vật đi từ vùng hốc mắt xuyên thẳng đến xoang bướm. Sáng 13/6, ca phẫu thuật tiến hành, các bác sĩ đã tiến hành mổ nội soi xoang sàng và lấy ra một dị vật dài sát sàn sọ, nơi có thần kinh thị giác nhưng may mắn chưa gây tổn thương thị giác. Gỡ xương sát xoang bướm, giải phóng di vật bị dính mô xung quanh. Dị vật lúc này được đưa ra ngoài và được xác định là một đoạn chiếc đũa dài 7cm. Ca mổ kéo dài hai tiếng rưỡi.
Một đoạn chiếc đũa được các bác sĩ BV. Tai Mũi Họng TP.HCM lấy khỏi hốc mắt của bệnh nhân
BS. Hảo Hớn, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, cho biết đoạn đũa đi vào hốc mắt xuyên xoang sàng và dừng lại trước xoang bướm. Êkíp đã phải dùng mũi khoan lấy dị vật. “Do bệnh nhân bị viêm lâu quá nên các bác sĩ phải làm sạch vị trí tổn thương. Đây là trường hợp đũa xuyên hốc mắt thứ hai mà tôi điều trị trong khoảng 15 năm qua”, BS.Hớn nói.
Theo PGS.TS.BS. Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc BV. Tai Mũi Họng TP.HCM, đây là trường hợp dị vật bỏ quên rất khó chẩn đoán, dễ nghĩ đến áp xe túi lệ nên điều trị không thể khỏi. Khó khăn là đường vào tự nhiên của dị vật đã bít nên không nhìn thấy dấu vết. Bác sĩ Tai Mũi Họng phải làm những xét nghiệm chuyên sâu mới có thể phát hiện.
Việc phẫu thuật mũi xoang đòi hỏi sự tinh tế để lấy hết dị vật nhưng không ảnh hưởng đến xung quanh. Ở trường hợp này, nếu không xử lý kịp thời, người bệnh sẽ có thể bị biến chứng viêm nhiễm nghiêm trọng những vùng xung quanh.
Mảnh đạn 40 năm trong ở bụng
Các bác sĩ BV.ĐH Y Dược TP.HCM cũng vừa điều trị thành công cho ông K, người mang mảnh đạn nằm trong ổ bụng 40 năm tạo nên ổ ápxe khổng lồ.
Không nên chủ quan với những loại tai nạn có va đập, té ngã. Nếu thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường (dù nhỏ) cũng phải đến bác sĩ khám.
Cần tả rõ, kể rõ cho bác sĩ những tai nạn đã xảy ra trước đó hoặc nghi ngờ những nguyên nhân dẫn đến tổn thương, bất luận thời gian ngắn dài để bác sĩ nắm rõ đến khi chẩn đoán bệnh.
Với trẻ em, hầu hết các bé không được cha mẹ lưu ý đến và chỉ được bác sĩ ghi nhận khi hỏi kỹ lại tiền sử nhiều lần.
Nhiều phụ huynh thậm chí không hề ghi nhận được hội chứng xâm nhập dị vật cho trẻ, chính vì nhân viên y tế nên nghĩ đến dị vật bỏ quên nếu điều trị triệu chứng kéo dài vẫn không khỏi.
Theo lời kể của gia đình, năm 28 tuổi, khi tham gia chiến trường bảo vệ tổ quốc, ông K. đã bị trúng đạn vào vùng hông phải. Mọi việc tưởng chừng đã yên ổn đến cuối năm 2018, tức 40 năm sau khi trúng đạn, vùng hông của ông K. mới bắt đầu có dấu hiệu bị sưng tấy, đau dữ dội kèm sốt cao và không đáp ứng với các loại thuốc mà ông đang điều trị. Bệnh nhân được người nhà đưa đến BV.ĐH Y Dược TP.HCM điều trị.
Qua thăm khám, chụp cắt lớp điện toán vùng bụng, các bác sĩ phát hiện có một ổ ápxe to tại vùng cơ thắt lưng chậu phải, lan ra sau lưng. Sâu bên trong ổ ápxe có ghi nhận hình ảnh nghi ngờ của mảnh kim loại, tương ứng với mảnh đạn đang nằm trong người ông K. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy tình trạng bạch cầu máu của ông tăng cao, dấu hiệu nhiễm trùng nặng. Với chẩn đoán ápxe lớn cơ thắt lưng chậu bên phải nghi do mảnh đạn, các bác sĩ khoa ngoại tiêu hóa của bệnh viện đã chỉ định mổ cấp cứu cho ông K.
ThS.BS. Lê Châu Hoàng Quốc Chương, khoa Ngoại Tiêu hóa BV. ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, trước khi mổ các bác sĩ đánh giá khó lấy được viên đạn ra vì viên đạn sau 40 năm đã “chui” vào rất sâu trong cơ thắt lưng chậu bên phải, nhưng nếu chỉ xử lý ổ ápxe mà không lấy mảnh đạn ổ nhiễm trùng sẽ tái phát. Các bác sĩ đã lấy mảnh đạn có kích thước 1x1cm, nhiều cạnh sắc ra khỏi ổ bụng bệnh nhân. Đây là trường hợp dị vật trú ngụ trong cơ thể bệnh nhân với thời gian lâu nhất mà bệnh viện từng điều trị.
Sợi cước 10 năm nằm trong niệu đạo
Chàng trai quê Đồng Nai được chuyển đến BV.Bình Dân (TP.HCM) với chẩn đoán viêm loét dương vật ở người có lỗ tiểu thấp. Khoảng 10 năm nay bệnh nhân thường đi tiểu đau, cảm giác gắt buốt, nước tiểu đục, có lúc tiểu ra mủ.Vài tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân thấy tình trạng đau ngày càng nặng, người bệnh cũng bị tiểu khó, da thân dương vật lở loét và đau đớn.
Tại BV. Bình Dân, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy có vật lạ nằm trong niệu đạo bệnh nhân. Để giải quyết nhanh tình trạng bí tiểu và viêm nhiễm vùng sinh dục, các bác sĩ phẫu thuật mở bàng quang ra da giúp chuyển lưu nước tiểu.Bệnh nhân được điều trị kháng sinh kiểm soát nhiễm trùng trước khi mổ tái tạo niệu đạo mới.
Bác sĩ Trà Anh Duy, Khoa Nam học, BV. Bình Dân, trực tiếp điều trị, cho biết trong quá trình kiểm tra đường tiểu, kíp mổ phát hiện một vật lạ ăn sâu xuyên qua thành niệu đạo đến sát vách thể hang của dương vật bệnh nhân. Các bác sĩ lấy ra một đoạn dây cước đã đóng sỏi xung quanh, tạo thành khối có kích thước 2,5 x 6cm.Lúc này chàng trai mới nhớ lại năm 14 tuổi đã “tự sướng” bằng cách nhét cuộn dây cước câu cá vào niệu đạo. Sợi cước chui sâu vào bên trong không thể lấy ra được, chàng trai ngại chia sẻ với người thân nên âm thầm chịu đựng và lâu dần quên luôn.
Theo bác sĩ Duy, qua 11 năm sợi dây cước đã ăn xuyên vào niệu đạo bệnh nhân gây viêm các mô lân cận, tạo thành các xơ dính. Đây là trường hợp hẹp niệu đạo phức tạp, đoạn tổn thương đã hư hỏng nặng kết hợp với dị tật lỗ tiểu đóng thấp bẩm sinh. Kíp mổ đã cắt lọc đoạn niệu đạo bị hỏng, mở niệu đạo ra da.
Bệnh nhân được chuyển vạt da để sau 3 tháng nữa sẽ tạo hình niệu đạo bằng mảnh ghép niêm mạc miệng.
Cũng theo bác sĩ Duy, dị vật khi vào trong mô mềm không ở yên mà có thể di chuyển (do vận động, do co cơ…) nên lần phát hiện đầu tiên sẽ có cơ hội lấy ra thành công cao nhất. Dị vật trong cơ thể có thể “im lặng” trong thời gian dài, nhưng sẽ bộc phát nhiễm trùng bất kỳ lúc nào.
Dị vật trú ngụ trong cơ thể trẻ
Đưa con đến khám tại BV. Nhi Trung ương do biểu hiện duy nhất là ngạt mũi 4 ngày không khỏi, gia đình bé 2 tuổi ở Long Biên, Hà Nội tá hỏa khi biết trong thực quản của con có một cục pin tròn.
Pin trong thực quản bệnh nhi
Theo kết quả chẩn đoán tại bệnh viện, X-quang phổi cho thấy có dị vật hình tròn cản quang nằm ở đốt sống ngực của bệnh nhi. Nội soi khẳng định dị vật găm vào hai thành thực quản. Các bác sĩ đã gắp ra được một cục pin hình tròn, đường kính 1,5 cm, hoen gỉ ở cạnh.
Một trường hợp khác, cháu bé ở Đăk Lăk bị chứng ho đi ho lại kéo dài, điều trị viêm phổi nhiều lần không khỏi, người nhà đưa bé tới bệnh viện tỉnh thì được các bác sĩ chẩn đoán bị dị vật đường thở trú ngụ lâu ngay dẫn đến viêm phổi nặng nên chuyển về TP.HCM.
Tại BV. Nhi Đồng 2, sau gần 3 giờ đồng hồ thủ thuật các bác sĩ mới gắp được dị vật là mảnh xương cá nằm trong phổi của bé. Lúc này người nhà cho biết khoảng 3 tháng trước trong lần ăn cháo cá do mẹ nấu, bé bị ho sặc và tình trạng ho kéo dài kể từ đó.
Tương tự tại BV.Nhi Đồng 1, nhập viện với tình trạng ho kéo dài không điều trị khỏi, bé trai 2 tuổi sau đó được các bác sĩ phát hiện một hạt đậu phộng nằm trong phổi trái.Trong thời điểm bị phát hiện, hạt đậu đã biến dạng, gây nhiều mủ vàng. Mẹ bé sau đó thừa nhận, hơn một tháng trước khi nhập viện, bé có ăn đậu phộng luộc, trong lúc ăn, bị ho sặc, sau đó tình trạng ho kéo dài nhưng người nhà nghĩ bé bị ho do viêm phế quản.