Bệnh nhân 35 tuổi, nhà ở Hóc Môn, nhập viện khoa Hô hấp Bệnh viện Nhân Dân 115. Theo lời kể của bệnh nhân trước đó 6 giờ, bệnh nhân đang chạy xe máy thì bị ho, văng răng giả và sặc sau đó.
Bệnh nhân nhập viện tại bệnh viện Hóc Môn và được chuyển viện Bệnh viện Nhân Dân 115. Tại khoa Cấp cứu tổng hợp, bệnh nhân được chụp Xquang ngực thẳng, ghi nhận có hình ảnh cản quang dạng chữ S, vị trí khí quản-carina và một phần nằm phế quản gốc phải.
Hình ảnh nội soi răng giả của bệnh nhân.
Bệnh nhân được chuyển khoa Hô hấp nội soi phế quản cấp cứu. Tại đây, trong quá trình nội soi phế quản các bác sĩ ghi nhận đoạn cuối khí quản - carina thấy dị vật là răng giả có móc kim loại bám vào niêm mạc khí quản và một phần dị vật ở phế quản gốc phải.
Bệnh nhân được gắp dị vật qua nội soi, kiểm tra không ghi nhận tổn thương khí phế quản sau gắp, và bệnh nhân được xuất viện sau đó.
Theo BS.CK1 Lê Thị Xuân Mai - Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhân Dân 115, dị vật đường thở không phải là hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ hay ở người lớn có phản xạ nuốt, ho khạc kém, hay ăn uống không cẩn thận và cũng gặp ở người có răng giả nhưng không được cố định chắc.
Dị vật sau khi được các bác sĩ gắp nội soi.
Được biết đây không phải trường hợp đầu tiên bị sặc răng giả. Cách đây không lâu các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cũng đã nội soi cấp cứu bệnh nhân sặc nước, hàm răng giả chui vào thực quản. Theo lời kể của bệnh nhân, ngày 8.8 khi ông D. đang uống nước thì bất ngờ bị sặc làm hàm răng giả trong miệng tung ra và trôi theo nước xuống sâu cổ họng. Quá hoảng hốt, ông D. tìm cách lấy hàm răng ra ngoài nhưng không được. Người nhà đưa ông D. đến cơ sở y tế. Lúc này, dị vật đã vào sâu trong thực quản nên phải chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Quang Ninh để kịp thời xử lý.
BS Mai khuyến cáo để tránh bị sặc khi đang ăn không nên đùa giỡn. Xương heo, gà, vịt không nên chặt nhỏ, dập vì vụn xương sẽ dính vào thịt. Nếu răng giả bị lỏng, gãy móc… nên đi chỉnh sửa ngay. Khi bị hóc dị vật nên đến ngay các.
Đối với người lớn
- Đầu tiên, người thân nên bình tĩnh, đỡ bệnh nhân đứng thẳng, mặt hướng về phía trước, người cấp cứu đứng phía sau, hai tay ôm bụng sát trên xương ức dùng cả thân người mình giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên, làm tăng áp lực trong lồng ngực tống dị vật ra.
Thực hiện động tác nhanh và dứt khoát.
- Khi nạn nhân ngã xuống, người thân cần lật nghiêng người hoặc nằm ngửa nhưng đầu nghiêng. Lấy hai bàn tay ấn vào phía trên xương ức thật mạnh từng cái một. Sau mỗi đợt ép, dùng 2 - 3 ngón tay để móc khoang miệng kiểm tra xem dị vật ra chưa. Lưu ý: Sau các bước sơ cứu, nếu dị vật hóc ra được thì vẫn cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện để kiểm tra, đề phòng dị vật còn sót lại ở đường thở.