ThS.BS. Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai cho biết: Bệnh nhân N.T.L, nữ, 32 tuổi (địa chỉ ở Ba Vì, Hà Nội) được BVĐK huyện Ba Vì chuyển tới khoa Cấp cứu (A9) BV Bạch Mai lúc 0 giờ 30 phút ngày 27/11/2016 với chẩn đoán “Hôn mê sau ngừng tuần hoàn/Hậu phẫu chửa ngoài tử cung vỡ”. Bệnh nhân có tiền sử sảy thai hai lần.
Trước khi vào BVĐK huyện Ba Vì khoảng 2 giờ (16 giờ, 26/11/2016), bệnh nhân xuất hiện đau bụng âm ỉ vùng hạ vị, ở nhà không xử trí gì, đau ngày một tăng. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, đau bụng hạ vị dữ dội, kèm theo có hoa mắt và chóng mặt, bệnh nhân được gia đình đưa vào cấp cứu tại BVĐK huyện Ba Vì trong tình trạng ngừng tuần hoàn (tử vong ngoại viện). Bệnh nhân được các y, bác sĩ trực tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay lập tức và khoảng 5 phút sau thì tuần hoàn được tái lập (tim đập lại).
Bệnh nhân được điều trị tại khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai.
Dựa theo các triệu chứng cơ năng đã được đề cập ở trên khi hỏi bệnh từ người nhà bệnh nhân và các biểu hiện lâm sàng (trụy tim mạch, da xanh và niêm mạc nhợt) thăm khám thấy, các bác sĩ đã nghĩ ngay tới “Ngừng tuần hoàn sau sốc mất máu do chửa ngoài tử cung vỡ”. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức bằng thông khí nhân tạo qua ống nội khí quản, truyền dịch, truyền máu, thuốc co mạch (adrenalin) và mổ cấp cứu để giải quyết nguyên nhân.
Khi mở ổ bụng bệnh nhân, các bác sĩ thấy khối chửa ở sừng phải của tử cung đã vỡ, trong ổ bụng có khoảng 1.500 ml máu loãng và 700 gram máu cục. Kết thúc cuộc mổ cấp cứu, bệnh nhân được chuyển về phòng hồi sức. Sau vài giờ, khi tình trạng lâm sàng của bệnh nhân ổn định hơn (mạch và huyết áp ổn định), bệnh nhân được chuyển tới khoa Cấp cứu (A9), BV Bạch Mai.
Bệnh nhân nguy cơ tử vong gần hồi sinh ngoạn mục
Theo BS. Chính, bệnh nhân được chuyển tới khoa Cấp cứu A9 vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 27/11/2016 trong tình trạng hôn mê sâu (GCS 3 điểm), được bóp bóng Ambu qua ống nội khí quản, mạch 100 lần/phút, huyết áp 120/80 mmHg (đang được truyền thuốc adrenalin), da và niêm mạc nhợt, đồng tử hai bên giãn to (5 mm) và không có phản xạ với ánh sáng. Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có thiếu máu, rối loạn đông máu và toan chuyển hóa nặng.
Hai vợ chồng vui mừng khi tình trạng bệnh tình của vợ ngày một tiển triển tốt hơn.
"Với những bệnh nhân có tình trạng nặng nề như thế này thì nguy cơ tử vong là rất gần. Tuy nhiên, khi thấy bệnh nhân có tuổi đời còn rất trẻ cộng với đây là bệnh lý cấp tính, hai bác sĩ trực đêm hôm đó của khoa (là BS. Nguyễn Anh Tuấn và BS. Đào Việt Phương) đã thống nhất rằng cần phải làm tới cùng vì hy vọng với sức trẻ bệnh nhân có thể qua được. Không ngần ngại, một cuộc hội chẩn chớp nhoáng với lãnh đạo trực BV Bạch Mai, lãnh đạo khoa Cấp cứu A9 đã được tiến hành, và ngay sau đó một ê-kip các y, bác sĩ thực hiện kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu cũng được huy động. Một điều khó khăn nữa cho việc hồi sức là gia cảnh của bệnh nhân rất khó khăn, mặc dù bệnh nhân có BHYT nhưng một số kỹ thuật và biện pháp điều trị vẫn cần phải có sự cùng chi trả của gia đình. Tuy nhiên, dưới sự bão lãnh của lãnh đạo khoa Cấp cứu A9, bệnh nhân đã được hồi sức và điều trị kịp thời"- BS. Chính cho hay.
Đến 11/12, sau 11 ngày điều trị bệnh nhân đã qua cơn nguy hiểm và hồi phục gần như hoàn toàn.
"Điều đáng nói là trong thời gian điều trị tại khoa Cấp cứu A9, bệnh nhân đã phải thở máy, áp dụng kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu, lọc máu vì biến chứng suy thận, rút ống và đặt ống nội khí quản tới hai lần vì suy hô hấp do biến chứng nhiễm trùng phổi, nhưng sức khỏe bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt một cách ngoạn mục. Bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, thở oxy qua kính mũi, không có khuyết thiếu vận động tuy rằng chưa thể tự uống hoặc ăn được đường miệng vì dễ sặc phổi (giảm vận động hầu họng), chức năng thận đang cải thiện rất tốt"- BS. Chính thông tin thêm.