Hành trình mang thai vất vả
Bế cậu con trai được hai tuần tuổi trên tay, chị Thơm vẫn chưa tin hạnh phúc với mình là có thật. Việc có con thật sự là một hành trình không hề đơn giản với vợ chồng chị Thơm. Thế nhưng các thầy thuốc của BV Bạch Mai đã biến niềm khao khát đó thành hiện thực.
Chị Thơm lập gia đình năm 2009 và khi phải bỏ cái thai đầu tiên ở tuần thứ 32, chị đã rất đau đớn vì không thể giữ được con và phát hiện mình bị viêm thận lupus. Một năm sau đó, chị cũng phát hiện mình có thai nhưng niềm vui chưa tày gang khi một lần nữa chị lại bị trượt khỏi tay niềm vui được làm mẹ do thai lưu.
Tuy nhiên, vợ chồng chị Thơm vẫn không từ bỏ hi vọng và niềm tin vào sự tiến bộ của y học. Chị vẫn kiên trì điều trị theo phác đồ và chỉ định của bác sĩ khoa Thận tiết niệu, BV Bạch Mai. Và tin vui lại một lần nữa đến với chị vào đầu năm 2016.
Niềm hạnh phúc của người mẹ trẻ khi thấy con mình khỏe mạnh từng ngày.
Mặc dù được theo dõi và điều trị sát sao theo đơn của bác sĩ, khi thai được 32 tuần chị Thơm phải nhập viện điều trị vì huyết áp tăng cao. Theo BS. Mai Thị Hiền, Phó Khoa Thận tiết niệu, BV Bạch Mai: Huyết áp của bệnh nhân lúc đó lên tới 170/100 mmHg, rất nguy hiểm đến tính mạng của hai mẹ con. Bệnh nhân mệt mỏi, lo lắng, ăn uống kém và thai chậm phát triển. Trong quá trình điều trị, huyết áp của bệnh nhân được kiểm soát ở mức 120/80-130/80 mmHg; được siêu âm thai 2 lần/tuần và tiêm thuốc trưởng thành phổi vào tuần thứ 32; theo dõi monitoring tim thai hàng ngày. Đến tuần thứ 34 của thai kỳ do có biểu hiện suy thai, việc duy trì thai nghén sẽ rất nguy hiểm.
Trước tình thế “ngàn cân treo sự tóc”, khoa Thận tiết niệu đã hội chẩn kịp thời với Khoa Sản, khoa Nhi và quyết định đình chỉ thai nghén để bảo toàn tính mạng của cả hai mẹ con.
Phụ nữ bị viêm thận lupus phải được theo dõi chặt chẽ khi mang thai
Theo BS. Phạm Thị Mai, Khoa Nhi, BV Bạch Mai - Người điều trị và chăm sóc cho cháu Huy ngay từ lúc cháu vừa được sinh ra: Do cháu bé sinh non ở tuần thứ 34, cân nặng chỉ có 1.600gam lại trên nền mẹ bị viêm thận lupus phải điều trị thuốc corticoide thường xuyên nên vừa sinh ra cháu đã bị suy hô hấp và nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
Tuy nhiên, với chế độ điều trị và chăm sóc đặc biệt trong lồng ấp: thở máy, điều trị kháng sinh, nuôi đường tĩnh mạch, sau 10 ngày cháu Huy đã cai được máy thở. Cháu đã có thể tự bú bình và tăng cân đều. Đó không chỉ là niềm vui của riêng gia đình chị Thơm mà còn là niềm vui của các bác sĩ khoa Nhi, khoa Sản và khoa Thận Tiết niệu bởi sự phối hợp nhịp nhàng của 3 khoa và một quyết định đúng đắn được đưa ra kịp thời đã mang lại kết quả “có hậu” cho gia đình chị Thơm.
Bác sĩ thăm khám cho cháu bé trước khi xuất viện.
Nói về ca bệnh này, BS. Mai Thị Hiền cho biết thêm: "Trước đây y học thường khuyên những người mắc bệnh lupus không nên có thai hoặc nếu đã mang thai thì nên bỏ, nhưng nay do có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán cơ chế bệnh sinh cũng như sự ra đời của nhiều loại thuốc ức chế miễn dịch mới, nên hiệu quả trị bệnh cao hơn. Thống kê cho thấy, dù có sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa, thì vẫn có tới 25% trường hợp thai nghén ở những bệnh nhân lupus phải đẻ non, 25% bị mất thai. Số còn lại mang thai và sinh nở bình thường".
Để tránh những tai biến nặng, BS. Hiền khuyến cáo nữ bệnh nhân viêm thận lupus nên có thai một cách có kế hoạch và phải được theo dõi chặt chẽ, nghiêm túc tại các cơ sở y tế có chuyên môn. Bệnh nhân lupus chỉ có thể có thai vào giai đoạn bệnh ổn định, sức khỏe tốt thì nguy cơ bùng phát bệnh ít hơn. Nếu thụ thai trong lúc bệnh đang tiến triển hoặc khi đang có tổn thương thận thì nguy cơ bùng phát bệnh là rất lớn, nguy cơ hỏng thai, sinh non là rất cao, thậm chí mất cả mẹ lẫn con.