Bệnh nhân là cụ ông 72 tuổi ở thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, do bị tai biến mạch máu não, vô tình cầu răng giả bị tuột và trôi xuống dạ dày, sau đó bệnh nhân được phát hiện đau bụng, nôn ra máu và đại tiện phân đen nên đưa đến Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.
Theo BSCKII. Hoàng Thanh Phương, Trưởng khoa Nội tiêu hoá - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, sau khi khai thác bệnh sử, khám, bệnh nhân được chẩn đoán Xuất huyết đường tiêu hoá cao do dị vật dạ dày gây tổn thương niêm mạc và được chuyển vào Khoa Nội Tiêu hoá.
Hình ảnh dị vật được các bác sĩ gắp ra từ cụ ông là cầu răng giả dài 6cm có móc kim loại, đầu nhọn.
Ngay lập tức Ekip Nội soi khoa Nội Tiêu hoá, gồm: BSCKI. Nguyễn Thị Phương Nga, THS.BS. Lục Lê Long phối hợp với điều dưỡng và Khoa Gây mê hồi sức đã tiến hành nội soi dạ dày. Quá trình thực hiện nội soi, các bác sĩ đã phát hiện có một chiếc cầu răng giả ở trong dạ dày với hình thù phức tạp và tồn tại 2 móc kim loại, 2 đầu cầu răng. Niêm mạc thực quản và dạ dày có nhiều tổn thương rách do móc kim loại.
Ekip tiên lượng và nhận định đây là dị vật phức tạp, nguy hiểm và có thể rách thực quản khi lấy qua thực quản nên các bác sĩ đã quyết định gắn thêm 1 kênh chạy bên ngoài dây soi, gắn thêm màng cao su ở đầu đèn soi nhằm mục đích bọc dị vật khi lấy ra.
Sau 30 phút dị vật đã được các bác sĩ đưa ra khỏi ống tiêu hoá của bệnh nhân thành công. Dị vật khi lấy ra khỏi dạ dày bệnh nhân phức tạp và có nhiều góc cạnh. Chiều dài hơn 6cm với 4 góc có móc trong đó 2 móc là kim loại có đầu nhọn.
Theo ThS.BS. Lục Lê Long, khoa Nội tiêu hoá - Bệnh viện TW Thái Nguyên, sau khi mổ nội soi, sức khoẻ Bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục được điều trị xuất huyết tiêu hoá tại khoa Nội tiêu hoá.
Qua sự việc trên, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên chú ý những vật dụng cá nhân khi sinh hoạt hằng ngày dễ hóc, nuốt phải gây xuất huyết, tắc nghẽn nguy hiểm đường tiêu hoá... Phát hiện những trường hợp trên nên đưa đến cáccơ sở Y tế uy tín để điều trị kịp thời.
Trên thực tế tại cơ sở y tế nhiều bệnh nhân nhập viện do nuốt dị vật đến khó tin, dị vật người lớn thường bị hóc là hàm răng giả, xương gà, xương cá, hạt sapôchê, dao lam, cây sắt...tăm xỉa răng, bàn chải đánh răng, chai dầu gió, nắp bia, cục gân bò to, hạt ôliu, hạt mít, chìa khóa, đồng tiền xu, viết bi, các vỉ thuốc có cạnh sắc nhọn. Những tai nạn này chỉ số ít là bệnh nhân tâm thần, bệnh nhân cố tình tự tử, còn phần lớn bệnh nhân bị hóc dị vật là do sơ ý trong khi ăn uống.
Dị vật bị hóc theo hai con đường: đường ăn (thực quản) hoặc đường thở (khí quản, phế quản). Khi dị vật được nuốt vào thực quản, nếu sắc nhọn hoặc có kích thước lớn sẽ mắc vào thực quản, cổ hoặc trong lồng ngực. Nếu không được lấy ra sớm, dị vật nhanh chóng gây loét ở nơi bị kẹt, rồi gây thủng thực quản, dịch và thức ăn trong thực quản thoát ra gây viêm trung thất. Người bệnh thường thấy đau ngực, nuốt khó, nuốt đau, thậm chí ói ra máu. Nặng hơn nữa, dị vật có thể đâm thủng cung động mạch chủ gây mất máu ồ ạt và tử vong nhanh chóng.
Khi dị vật vào đường thở do sặc hoặc hít do vô ý, nếu lớn có thể bít cả đường thở gây suy hô hấp, tử vong; nếu nhỏ hơn sẽ vào sâu trong khí quản và tùy theo kích thước hoặc hình dáng mà vào sâu tới phế quản gốc hoặc các phế quản thùy phổi, gây ho, khó thở khò khè giống hen suyễn hay viêm phế quản, để lâu có thể ho ra máu, gây viêm nhiễm hoặc ápxe quanh dị vật hoặc ở thùy phổi mà nó thông khí.
Khi khai thác bệnh sử của những người lớn hóc dị vật, các bác sĩ ghi nhận họ bị hóc dị vật khi vừa ăn uống vừa giỡn, la lối trong lúc ăn, vừa ăn vừa làm việc hoặc khi ăn lại nghĩ đến chuyện khác. Vì vậy, lời khuyên của các bác sĩ để tránh bị hóc dị vật là nên tập trung khi ăn uống.