Hy hữu: ‘Bỏ quên’ hai đoạn đũa trong hốc mũi hơn một năm

02-07-2025 13:41 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 2/7, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho hay, các bác sĩ nơi đây vừa xử trí thành công ca “trục xuất” dị vật hy hữu là 2 đoạn đũa bị bỏ quên trong hốc mũi nam bệnh nhân hơn một năm.

Trước đó, vào cuối tháng 6, anh Bùi Văn C. (40 tuổi, trú tỉnh Lâm Đồng) tới Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM trong tình trạng mũi phải nghẹt cứng, không thở được. 

Ghi nhận bệnh sử cho thấy, hơn một năm trước, anh C. bị trượt té khi uống rượu say. Sau khi té thì bị nghẹt mũi, chảy mũi trong bên phải kéo dài, thỉnh thoảng đau nặng vùng mặt phải.

Tuy nhiên, sau đó anh C không đi bệnh viện khám mà tự điều trị tại nhà đến khi tình trạng nặng anh C mới tới TPHCM để được điều trị chuyên sâu. Qua khai thác bệnh sử và thăm khám, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có dị vật hốc mũi bên phải nên chỉ định chụp CT - Scan và nội soi kiểm tra.

Hy hữu: ‘Bỏ quên’ hai đoạn đũa trong hốc mũi hơn một năm - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM đang thăm khám bệnh nhân C.

Kết quả CT - Scan ghi nhận hai dị vật dài khoảng 5 - 6 cm từ hốc mũi phải xuyên thành trong và sau xoang hàm phải và vùng cơ chân bướm - sàn sọ phải.

Anh C. được các bác sĩ chẩn đoán "dị vật hốc mũi bỏ quên bên phải xuyên xoang hàm, vùng cơ chân bướm phải". Anh C. được chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết để phẫu thuật nội soi lấy dị vật.

Kíp can thiệp do BS.CKII Nguyễn Thanh Hải - Phó Trưởng khoa Mũi Xoang phụ trách, đã phẫu thuật nội soi lấy được dị vật là 2 đoạn đũa dài khoảng 5 – 6 cm. Sau khi "trục xuất" dị vật khỏi cơ thể, anh C. tiếp tục được điều trị nội khoa để ngừa nhiễm trùng.

Hy hữu: ‘Bỏ quên’ hai đoạn đũa trong hốc mũi hơn một năm - Ảnh 2.

Hai đoạn đũa được các bác sĩ "trục xuất" khỏi hốc mũi anh C.

Theo bác sĩ Hải, CT - Scan có vai trò giúp chẩn đoán xác định dị vật cũng như quyết định đường phẫu thuật. Khi phẫu thuật lấy dị vật phải cẩn thận, tránh bỏ sót dị vật cũng như có thể làm tổn thương các cấu trúc lân cận (thần kinh, mạch máu lớn, sàn sọ,…). 

"Nếu để lâu, dị vật có thể gây viêm nhiễm xung quanh, giảm thị lực, nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm tính mạng", BS Hải thông tin thêm.

Còn theo TS.BS.CKII Nguyễn Thanh Vinh - Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, nếu sau chấn thương vùng mặt mà người bệnh có một trong các triệu chứng như sưng mặt, nhìn mờ, nhìn đôi, chảy mủ vết thương kéo dài, chảy nước mũi đục hôi, chảy máu mũi kéo dài…, thì cần tới bệnh viện khám ngay.

"Người bệnh không được chủ quan với các triệu chứng kéo dài, dù không đau nhức. Cũng cần lưu ý thêm, triệu chứng chảy mũi đục, hôi một bên gợi ý có thể có dị vật mũi bỏ quên. Khi xác định dị vật bỏ quên lâu ngày thì việc điều trị sớm là cần thiết (phẫu thuật lấy bỏ dị vật, điều trị kháng sinh...) để kịp tránh những biến chứng", Phó Giám đốc Nguyễn Thanh Vinh khuyến cáo.

Đi khám vì ho kéo dài, người đàn ông phát hiện dị vật khó tin trong phổiĐi khám vì ho kéo dài, người đàn ông phát hiện dị vật khó tin trong phổi

SKĐS - Ho kéo dài suốt 5 tháng sau một bữa ăn “sặc xương”, người đàn ông 53 tuổi không ngờ trong phổi mình vẫn còn sót lại một đốt xương cá sắc nhọn. Dị vật này vừa được các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng can thiệp nội soi phế quản gây mê lấy ra an toàn.


Đỗ Bá
Ý kiến của bạn