Theo đó, bệnh nhân Nguyễn Văn Vui, 65 tuổi, ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang nhập viện lúc 18h ngày 19/2/2020 do đi tiêu máu đỏ bầm 2 lần. Ông Vui có mắc bệnh nền tăng huyết áp, có tiền sử hút thuốc lá nhiều, có cơn đau thắt ngực khi gắng sức nhưng không đi khám và điều trị.
Ông Vui được các thầy thuốc theo dõi sát tình trạng xuất huyết tiêu hóa và lên kế hoạch nội soi tìm nguyên nhân vào sáng ngày 20/2/2020. Khi nội soi, ông Vui tỉnh, đột ngột tiêu máu đỏ tươi khá nhiều kèm đau ngực trái. Ngay lập tức, bệnh nhân được xét nghiệm cấp cứu, đo điện tâm đồ, men tim, siêu âm tim. Xác định đây là trường hợp bệnh nặng, phức tạp nên các bác sĩ tiến hành hội chẩn nhiều chuyên khoa.
Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính đa dãy trước phẫu thuật.
Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh lên - Xuất huyết tiêu hóa dưới đang tiến triển. Tình trạng bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh lên không có chỉ định can thiệp mạch vành khẩn cấp, có chỉ định can thiệp mạch vành sớm.
Bác sĩ nhận định, bệnh nhân tiêu máu đỏ tươi nên nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa là từ trực tràng và nội soi trực tràng tương đối an toàn đối với bệnh nhân này. Việc sử dụng thuốc kháng đông hay kháng tiểu cầu kép khi điều trị nhồi máu cơ tim có nguy cơ làm nặng thêm tình trạng xuất huyết, hơn nữa, nếu bệnh nhân sau can thiệp có tình trạng xuất huyết tiêu hóa tiến triển bệnh nhân không dùng được thuốc kháng kết tập tiểu cầu kép, có nguy cơ tắc stent mạch vành với khả năng tử vong rất cao.
Do đó lựa chọn tối ưu là tìm và giải quyết nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa dưới trước. Ê kíp do BS CKI Nguyễn Bảo Phước - Khoa Nội soi, BVĐK TW Cần Thơ thực hiện. Phát hiện trực tràng có nhú mạch máu to đang chảy và dùng 2 clip kẹp cầm máu. Thời gian thực hiện là 5 phút. Tình trạng xuất huyết tiêu hóa ổn định.
Hình ảnh sau đặt stent bệnh nhân Vui
3h sau ê kíp can thiệp mạch vành do BS.CK1 Nguyễn Văn Nhiệm; BS Dương Hoàng Mẩn - Khoa Tim mạch can thiệp tiến hành chụp mạch vành cấp cứu. Kết quả chụp mạch vành: hẹp 50%-60% động mạch liên thất trước lan toả, hẹp 70-80% động mạch mủ đoạn II, hẹp 95% động mạch vành phải đoạn II và có huyết khối. Ê kíp can thiệp san thương động mạch vành phải bằng nong bóng và đặt stent. Thời gian can thiệp là 30 phút.
Sáng 24/2/2020 bệnh nhân tỉnh tiếp xúc tốt , niêm hồng , không có tình trạng xuất huyết tiêu hóa tái phát, hết đau ngực và tiếp tục điều trị tại Khoa Tim mạch can thiệp và dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
Về trường hợp ca bệnh này, BS.CKII Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn kiêm Giám đốc Trung tâm tim mạch BVĐK TW Cần Thơ cho biết, xuất huyết tiêu hóa và nhồi máu cơ tim là hai bệnh thường gặp trên thực tế lâm sàng.
Đa phần hai bệnh này không xảy ra cùng lúc, nếu có thì đa số gặp trường hợp xuất huyết tiêu hóa là biến chứng của việc sử dụng thuốc trong điều trị nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, việc bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa dẫn đến nhồi máu cơ tim là một bệnh cảnh hiếm gặp, đòi hỏi người bác sĩ phải đánh giá và xử trí vô cùng thận trọng.
Việc chẩn đoán nhồi máu cơ tim do xuất huyết tiêu hóa vẫn còn nhiều khó khăn. Đa phần các dấu hiệu gợi ý nhồi máu cơ tim bị che lấp bởi các triệu chứng ồ ạt của xuất huyết tiêu hóa. Dẫn đến dễ bị bỏ sót chẩn đoán quan trọng là nhồi máu cơ tim.
Điều trị đồng thời cả xuất huyết tiêu hóa và nhồi máu cơ tim là một thách thức cho người bác sĩ khi các biện pháp điều trị của bệnh này có thể xem là chống chỉ định của bệnh kia.
Việc sử dụng tiêu sợi huyết, kháng đông hay kháng tiểu cầu kép khi điều trị nhồi máu cơ tim có nguy cơ làm nặng thêm tình trạng xuất huyết. Việc bù dịch nhanh và nhiều, sử dụng thuốc co mạch hay nội soi tiêu hóa cũng có thể làm xấu hơn tình trạng nhồi máu cơ tim của bệnh nhân. Điều này đòi hỏi người bác sĩ điều trị phải nắm rõ tình trạng bệnh nhân, tinh chỉnh thật khéo léo các phương pháp điều trị, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
Bệnh mạch vành là một trong những bệnh lý tim mạch thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Vì vậy, việc nhận biết sớm bệnh mạch vành để phòng ngừa và kịp thời điều trị khi mắc bệnh là hết sức cần thiết để hạn chế các biến chứng xấu có thể xảy ra.
Những người có tiền sử bị các bệnh như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu...,người hút thuốc lá lâu năm, béo phì, người mà trong gia đình có người trực hệ (bố mẹ, anh chị em ruột) mắc bệnh mạch vành...là những đối tượng có nguy cơ cao cần được tầm soát bệnh mạch vành để phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm.
Những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ ở trên nên định kỳ khám chuyên khoa tim mạch để được bác sĩ tư vấn, khám sàng lọc bệnh mạch vành.
Đặc biệt những ai có cơn đau ngực cũng nên đến khám chuyên khoa tim mạch. Bác sĩ khi thăm khám sẽ hỏi kĩ về tình trạng đau ngực, về tiền sử bệnh , gia đình, khám lâm sàng, đo huyết áp, làm các xét nghiệm cần thiết như điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm máu...
Tại Bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ. một số trường hợp bệnh nhân sẽ được làm nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ hoặc chụp cắt lớp vi tính đa dãy động mạch vành hoặc chụp động mạch vành chọn lọc có cản quang bằng máy chụp mạch máu số hóa xoá nền (DSA) để chẩn đoán bệnh mạch vành.