Hà Nội

Hy hữu bé 10 tháng tuổi nuốt phải bóng đèn điện tử

13-06-2024 17:39 | Y tế
google news

SKĐS - Bệnh nhi 10 tháng tuổi lên cơn ho sặc sụa, tím tái, thi thoảng ho húng hắng, kèm theo sốt, quấy khóc được gia đình đưa đi khám phát hiện trẻ hóc dị vật là chiếc bóng đèn điện tử.

Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh vừa cấp cứu ca bệnh hy hữu khi tiến hành nội soi khí quản bệnh nhi 10 tháng tuổi, phát hiện có dị vật là một chiếc bóng đèn điện tử ở cuối phế quản và gắp bỏ ra khỏi cơ thể người bệnh thành công.

Cụ thể, tối ngày 10/6, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận bệnh nhi P.K.N (10 tháng tuổi, thường trú tại thị trấn Quảng Hà, huyện Đầm Hà) đi khám trong tình trạng ho cơn, sốt.

Hy hữu bé 10 tháng tuổi nuốt phải bóng đèn điện tử- Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh gắp bỏ dị vật là bóng đèn điện tử cho bệnh nhi 10 tháng tuổi.

Theo gia đình bệnh nhi, khoảng 17-18h ngày 8/6, gia đình phát hiện thấy trẻ xuất hiện ho cơn, sặc sụa, tím tái sau cơn ho, thi thoảng ho húng hắng, sau thấy trẻ sốt, quấy khóc gia đình đã đưa đi khám.

Tại bệnh viện, kết quả chụp X-Quang vùng ngực cho thấy hình ảnh dị vật cản quang vị trí đoạn cuối phế quản gốc bên trái kích thước 10x3 mm.

Tiến hành hội chẩn chuyên khoa với kíp nội soi, các bác sĩ quyết định chỉ định nội soi khí quản cấp cứu gắp thành công dị vật là một chiếc bóng đèn điện tử ra khỏi cơ thể bé.

Thời điểm nội soi, do di vật có hai đầu cạnh sắc nhọn nên khi đi qua đã làm viêm loét, xung huyết niêm mạc khí quản, xuất hiện nhiều dịch mủ đục. Bên cạnh đó, đây lại là bệnh nhi còn rất nhỏ tuổi và vị trí dị vật có nguy cơ gây suy hô hấp cho trẻ nên đòi hỏi các bác sĩ phải tiến hành thủ thật rất khẩn trương và thận trọng. 

Ngay sau khi can thiệp, bệnh nhi đã thở đều, môi chi hồng, sức khỏe đã dần bình phục và ổn định.

Các bác sĩ khuyến cáo các gia đình, hóc dị vật đường thở là các tình huống rất nguy hiểm, có thể gây suy hô hấp, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Trẻ em thường có thói quen đưa các vật cầm ở tay vào mồm. 

Dị vật bị rơi vào đường thở khi hít vào mạnh, sặc hoặc sau một một trận cười, khóc, ngạc nhiên, sợ hãi nên thận trọng và thường xuyên nhắc nhở trẻ, chú ý khi trẻ tiếp xúc với những đồ dùng nhỏ, có cạnh sắc, nhọn có thể gây tổn thương thực quản, khí phế quản như đầu bút, mảnh đồ chơi…

Trẻ bị dị vật đường hô hấp sau khi xử trí ban đầu cần nhanh chóng chuyển trẻ đến bệnh viện chuyên khoa tin cậy trong thời gian sớm nhất có thể để công tác xử lý cấp cứu được kịp thời và ít tai biến, biến chứng.

Nuốt phải dị vật là chiếc vòng đá vì nghe theo quảng cáo ngậm vòng chữa bệnhNuốt phải dị vật là chiếc vòng đá vì nghe theo quảng cáo ngậm vòng chữa bệnh

SKĐS - Vì tin theo những lời quảng cáo ngậm chiếc vòng hạt đá để chữa bệnh, người phụ nữ 68 tuổi không may nuốt phải chiếc vòng.



Thế Nam
Ý kiến của bạn