Bệnh nhân nam N.K.P., sinh năm 1999, ở Hậu Giang được người nhà đưa đến BVĐK Trung ương Cần Thơ khám chuyên khoa Nội Tiêu hóa ngày 24/02/2022 với tình trạng đau thượng vị.
Người bệnh cho biết trước đó 05 ngày trong quá trình làm việc có ngậm đầu bút bi bằng miệng rồi vô ý nuốt vào, sau đó bệnh nhân đau bụng phải nên đến bệnh viện địa phương khám và được chuyển viện BVĐK Trung ương Cần Thơ cấp cứu vào lúc 22h40 ngày 21/02/2022.
Kết quả kiểm tra không ghi nhận dị vật cản quang, bệnh nhân được đề nghị nhập viện theo dõi, nhưng gia đình không đồng ý, sau đó bệnh nhân được xuất viện và hướng dẫn theo dõi ngoại trú khi có triệu chứng đau bụng hoặc bất thường thì đến ngay cơ sở y tế để được xử trí.
Dù đang theo dõi nhưng trong một lần đùa giỡn với bạn, bệnh nhân có bẻ gãy đầu bàn chải đánh răng và dùng thân bàn chải để đùa rồi tiếp tục nuốt vào bụng, nên gia đình đưa bệnh nhân đến bệnh viện kiểm tra. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày - tá tràng.
Kết quả khi đưa ống nội soi vào dạ dày, cách cung răng #38cm các bác sĩ bất ngờ khi thấy có chiếc ruột bút bi dài khoảng 12 cm và 01 thân bàn chải đánh răng dài khoảng 15cm, đường kính 1,5cm, đầu thân bàn chải cắm vào thành tá tràng.
Ê kíp hành lấy dị vật qua nội soi, đầu nhọn của dị vật gây ra vài ổ loét 10-15mm đáy giả mạc trắng, loét hành tá tràng.
Sau 15 phút nội soi, các bác sĩ đã can thiệp lấy dị vật thành công, tình trạng bệnh nhân ổn định và được chỉ định nhập viện theo dõi. Tuy nhiên, gia đình quyết định xin điều trị ngoại trú và khám thêm các chuyên khoa khác.
Không chủ quan khi mắc dị vật đường tiêu hóa
BSCK2 Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Trưởng khoa nội soi BVĐK Trung ương Cần Thơ cho biết: Dị vật đường tiêu hóa là một trong những cấp cứu phổ biến, thường là hóc đồ ăn, hóc xương cá hoặc mắc phải các loại dị vật khác như tăm, tre, đinh... vào đường tiêu hóa trên, thường là thực quản.
Dị vật có thể gặp ở bất cứ đoạn nào của đường tiêu hóa từ miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng và hậu môn nhưng ở đoạn thực quản và ruột non là hay gặp nhất.
Khi đi vào đường tiêu hóa, các dị vật nhỏ, không sắc nhọn có thể theo đường tự nhiên ra ngoài. Tuy nhiên, các dị vật sắc nhọn có thể gây thủng ruột, viêm loét tùy thuộc bản chất, hình thái hay kích thước. Những trường hợp như vậy nếu không được phát hiện và xử lý sớm sẽ gây nguy hiểm tới đường tiêu hóa nói riêng và sức khỏe người bệnh nói chung.
Đối với dị vật đường tiêu hóa ở thực quản, dạ dày thì điều trị bằng phương pháp gắp dị vật qua nội soi là phương pháp an toàn và triệt để nhất: Người bệnh sẽ được khám lâm sàng, chụp X-quang xác định, làm các xét nghiệm tiền mê. Tiến hành gắp dị vật qua nội soi gây mê đường tiêu hóa đảm bảo an toàn, không đau và tránh co thắt thực quản, kích thích, nôn khi soi.
Khi nghi ngờ bị mắc dị vật và có những biểu hiện sức khỏe bất thường, người bệnh cần phải đến ngay các cơ sở y tế, đặc biệt là những nơi có trang bị máy nội soi để nhanh chóng chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời.