Huyệt thập tuyên trị say nắng

SKĐS - Thập tuyên là huyệt vị nằm ở đỉnh cao nhất giữa đầu 10 ngón tay, cách đầu móng tay 2mm. Huyệt Thập Tuyên chủ trị các chứng bệnh như: Sốt cao, hôn mê, say nắng, tê đầu ngón tay.

Dưới vị trí huyệt là đầu đốt cuối của các xương ngón tay. Da vùng huyệt này được chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6, C7, C8 và D1.

Sách Châm cứu khổng huyệt cập kỳ liệu pháp tiện lãm đã viết : "Thập tuyên là kỳ huyệt...dùng kim tam lăng hoặc kim lớn châm ra máu chủ trị tất cả các chứng mất thần cấp tính".

Để gia tăng hiệu quả điều trị bệnh, trong các sách y học cổ truyền thường chỉ dẫn phối kết hợp huyệt Thập tuyên với một số huyệt liên quan.

Theo Châm cứu Đại Thành: Phối cùng huyệt dũng tuyền, huyệt đại lăng, huyệt hợp cốc và huyệt tứ hoa trị ngũ tâm phiền nhiệt.

Theo Châm cứu Đại Toàn: Phối với huyệt du phủ, huyệt đản trung, huyệt hợp cốc, huyệt khuyết bồn, huyệt phù đột, huyệt thiên đột, huyệt thiên song, trung phủ trị bệnh bướu cổ.

Theo Châm cứu học Thượng Hải: Phối với huyệt đại chùy và huyệt nhĩ tiêm có tác dụng trị sốt cao hoặc say nắng.

Trị say nắng: Say nắng nhẹ thì đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, tức ngực, lợm giọng, buồn nôn, khát nước, da nóng, không có mồ hôi, toàn thân mệt mỏi rã rời hoặc có biểu hiện bồn chồn, vật vã; Nặng thì ngoài các triệu chứng trên còn có thêm sắc mặt nhợt nhạt, vã mồ hôi, chân lạnh, có thể hôn mê bất tỉnh, co giật tứ chi. Nguyên nhân là do chính khí hư suy (giảm sức đề kháng), thử nhiệt hoặc thử thấp xâm nhập vào cơ thể, uất lại và nung đốt làm hao tổn âm dịch.

Về mặt trị liệu:

Cởi bỏ và nới rộng quần áo, cho uống nước muối nhạt hoặc nước mát, dùng khăn thấm ướt nước lạnh hoặc rượu trắng lau các hốc tự nhiên như hõm nách, bẹn...

Dùng ngón tay cái lần lượt bấm mạnh huyệt Nhân trung và Thập tuyên.

-         Vị trí huyệt Nhân trung: ở điểm nối 1/3 trên với 2/3 dưới của rãnh nhân trung, giữa đáy rãnh.

-         Vị trí huyệt Thập tuyên: ở đỉnh cao nhất giữa 10 đầu ngón tay. Bấm các huyệt này có tác dụng khai khiếu (làm thức tỉnh) và tiết nhiệt (thải nhiệt, giải nhiệt).

-         Dùng gốc bàn tay day lòng bàn tay, lòng bàn chân và chỗ hõm giữa thắt lưng (có thể dùng một chút rượu trắng để xoa) sao cho tại chỗ nóng lên là được. Trong tư thế bệnh nhân nằm sấp, xác định và day mạnh huyệt Đại chuỳ nằm ở ngay dưới chỗ lồi lớn của ụ xương cổ thứ 7 có tác dụng thanh nhiệt và thông dương khí.

Theo kinh nghiệm dân gian: người ta còn có thể chọn dùng một trong các biện pháp kích thích hồi tỉnh do say nắng như dùng lá hẹ tươi hoặc gừng tươi hoặc tỏi tươi, hoặc nga bất thực thảo tươi rửa sạch, giã nát, ép lấy nước để nhỏ vào lỗ mũi; dùng trầm hương và đàn hương đốt khói xông hai lỗ mũi... Khi bệnh nhân tỉnh, có thể cho uống nước sắc lá sen, lá hoắc hương và lá hương nhu tươi.

Trị tê đầu ngón tay: Tê đầu ngón tay là tình trạng nhức mỏi thông thường hoặc do mắc một số bệnh như thoái hóa khớp, tiểu đường, tiền mãn kinh,… Dấu hiệu nhận biết ban đầu là tê bì, đau nhức ngón tay. Khi bệnh kéo dài có thể làm giảm chức năng cầm nắm, ảnh hưởng đến chất lượng sống và khả năng làm việc. Nếu không điều trị kịp thời có thể làm mất chức năng vận động... Để ngăn ngừa biến chứng này xảy ra, khi có dấu hiệu tê bì ở tay người bệnh cần:

Massage vòng trong lên mu bàn tay theo chiều kim đồng hồ, mỗi bên thực hiện khoảng 20 lần.

Dùng ngón tay cái day ấn huyệt Thập Tuyên, mỗi ngón cần thực hiện ít nhất 30 giây.

Dùng tay xoa bóp với lực vừa phải ở các ngón tay đến khi tay có cảm giác và không còn tê bì.

Vị trí huyệt Thập Tuyên ở đầu ngón tay là nơi tập trung nhiều đầu dây thần kinh nhạy cảm. Do đó khi tác động đến huyệt vị giúp kích thích điều hòa thăng giáng của các đường kinh giúp thông kinh hoạt lạc, hoạt huyết hóa ứ, điều hoà kinh khí giảm triệu chứng tê đầu ngón tay hiệu quả.


BS. Lê Thị Hương
Ý kiến của bạn