Huyết rồng bổ khí huyết

18-04-2012 07:16 | Y học cổ truyền
google news

Huyết rồng hay còn gọi là kê huyết đằng, cây dây máu, người Thái vùng Tây Bắc gọi là cây bổ máu. Cây thường gặp trong các rừng, dọc theo các sông suối trên đất có cát.

Huyết rồng hay còn gọi là kê huyết đằng, cây dây máu, người Thái vùng Tây Bắc gọi là cây bổ máu. Cây thường gặp trong các rừng, dọc theo các sông suối trên đất có cát. Là loại dây leo nhánh hình trụ, có lông mềm, về sau nhẵn. Lá kép 3 lá chét, lá kèm nhỏ dễ rụng. Hoa thành chùy có lông, 10-20cm, cuống hoa nhỏ có lông, 3mm, đài có lông với các thùy hình tam giác tù, tràng hoa màu tía. Quả đậu hình lưỡi liềm, có lông nhung. Thu hái dây quanh năm, phơi héo, thái phiến,  phơi hoặc sấy khô.
 Huyết rồng.

Theo y học cổ truyền, huyết rồng có vị đắng, hơi ngọt, tính ấm quy vào kinh can, thận. Tác dụng bổ khí huyết, mạnh xương cốt, thư cân, chỉ thống. Điều trị các chứng ứ huyết, cơ nhục sưng đau, tê thấp, đau lưng, mỏi gối, chân tay tê bại, ra mồ hôi, kinh nguyệt không đều.

Một số bài thuốc thông dụng có huyết rồng:

Bài 1: Chữa các chứng khí hư, huyết thiếu, người mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt: huyết rồng 16g, hà thủ ô đỏ 12g, đương quy 12g, nhân sâm 10g, thục địa 12g, sắc uống ngày một thang, chia 2 lần uống lúc còn nóng. Dùng liền 3 - 5 ngày.

 Huyết rồng đã sơ chế.

Bài 2:

Bài thuốc có tác dụng làm đẹp da: 30g huyết rồng, 2 quả trứng gà đã luộc chín. Huyết rồng rửa sạch, trứng đã chín. Tất cả cho vào nồi đổ 3 bát nước, đun nhỏ lửa còn một bát, cho một ít đường trắng. Uống nước, ăn trứng. Ăn liền 3 - 5 ngày .

Bài 3:  Chữa đau lưng, mỏi gối: huyết rồng 16g, cẩu tích 12g, tục đoạn 12g, xuyên khung 12g, dây đau xương 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần. Dùng liền 6 thang.

Bài 4:Chữa kinh nguyệt không đều:  huyết rồng 16g, nghệ vàng 6g, ngưu tất 10g, ích mẫu 12g sắc uống ngày một thang. Dùng 5 - 10 ngày.

 Bs.Thu Vân


Ý kiến của bạn