Hà Nội

Huyết áp thấp - “sát thủ dấu mặt”

15-06-2018 07:35 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Huyết áp thấp là một bệnh không kém phần nguy hiểm, nếu không phát hiện và điều trị đúng có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào.

Huyết áp thấp là một bệnh không kém phần nguy hiểm, nếu không phát hiện và điều trị đúng có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào. Huyết áp thấp ít khi thể hiện cho nên người bệnh không biết hoặc biết nhưng chủ quan, có thể gọi bệnh này như “sát thủ dấu mặt”.

Thế nào là huyết áp thấp?

Trị số huyết áp bình thường dao động từ 90/ 50 - 139/ 89mmHg, huyết áp mục tiêu là 120/80mmHg. Ở người bình thường chỉ số huyết áp là 139/ 90mmHg. Huyết áp thay đổi thường xuyên tùy theo các trạng thái về thời gian, hoạt động thể lực và cảm xúc. Cụ thể huyết áp thường bắt đầu tăng từ 5 - 10 giờ sáng, sau đó giảm và duy trì ở mức bình thường, về đêm khi không hoạt động gì huyết áp có thể giảm một số chỉ số nhất định nhưng vẫn thuộc dạng bình thường không ảnh hưởng xấu đến cuộc sống.

Huyết áp thấp là khi trị số đo huyết áp ≤ 90/ 50mmHg, hoặc giảm nhiều hơn 20mmHg so với trị số huyết áp của người bình thường. Tuy nhiên, để đánh giá trị số huyết áp, người được đo huyết áp phải nằm nghỉ khoảng 15 phút, trước đó không ăn uống gì, nhất là không uống thuốc trị tăng huyết áp hoặc một số thuốc có khả năng làm tụt huyết áp, ví dụ, thuốc Xatral điều trị tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến ở nam giới hoặc không sử dụng các chất kích thích (bia, rượu, cà phế…).

Huyết áp thấp - “sát thủ dấu mặt”Người bệnh thường xuyên thấy mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân gây huyết áp thấp, nếu là huyết áp thấp sinh lý, có thể do di truyền hoặc do sống ở vùng núi cao. Nếu huyết áp thấp do bệnh lý, có thể do sự suy giảm chức năng của các cơ quan quan trong như: tim, thận, suy giảm hoạt động của tuyến giáp hoặc do hệ thống thần kinh thực vật của cơ thể không tự điều chỉnh được dẫn đến tụt huyết áp tư thế. Nếu có tổn thương tại tim có thể là nguyên nhân gây tình trạng huyết áp thấp.

Bệnh lý tại tim có thể là rối loạn nhịp tim (tim đập nhanh hoặc đập quá chậm, ngoại tâm thu…) làm cho huyết áp giảm vì không có đủ thời gian để máu về tim lấp đầy khoảng trống giữa mỗi nhịp hoặc nhịp tim chậm quá mức bình thường. Khi tim đập quá chậm (dưới 60 lần phút) sẽ làm tăng thời gian trong kỳ tâm trương trong khi máu vẫn chưa được đẩy vào hệ tuần hoàn.

Bên cạnh đó huyết áp thấp do bệnh ở tim, có thể gặp do các van tim (hở hoặc hẹp hoặc vừa hở vừa hẹp) làm cho dòng máu từ tim đi, về không ổn định, giảm lưu lượng máu gây huyết áp thấp.

Huyết áp thấp bệnh lý có thể do  cơ thể bị thiếu hụt hàm lượng hormone của tuyến giáp hoặc do suy giảm glucoza máu (đường máu). Nếu hàm lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức 2,5mmol/l,  có thể sẽ xuất hiện cảm giác rất mệt mỏi, run tay, chân và vã mồ hôi.

Một số trường hợp huyết áp thấp bệnh lý do hàm lượng hemoglobin máu thấp. Một người khỏe mạnh hàm lượng hemoglobin trong máu ở mức 100 milliters (nam giới hàm lượng này ở mức 13,5 tới 17,5g/dl, ở nữ giới là 11,5 tới 15,5g/dl). Khi hàm lượng hemoglobin thấp sẽ khiến cho lượng oxy vận chuyển tới não và tim bị suy giảm, có thể làm cho cơ thể choáng váng hoa mắt, chóng mặt.

Ngoài ra, cuộc sống căng thẳng, môi trường ô nhiễm, khuynh hướng lạm dụng độc chất, béo phì, suy dinh dưỡng… có thể làm xuất hiện huyết áp thấp. Hoặc do suy giảm hoạt động của tuyến giáp trạng làm cho cơ thể bị thiếu hụt hàm lượng hoóc-môn của tuyến giáp.

Biểu hiện như thế nào?

Người bệnh thường xuyên thấy mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, có cảm giác buồn nôn, khó tập trung tư tưởng, dễ nổi cáu, hay bực bội, khó chịu. Tay chân thường bị lạnh, da nhăn, khô, kèm theo tóc dễ rụng. Có thể bị suy giảm khả năng tình dục.

Thở dốc nhất là khi leo lên cầu thang hay làm việc nặng, thậm chí ngất xỉu. Thường ngất xỉu xảy ra rất nhanh, người bệnh mất ý thức, ngừng thở, ngừng tim chỉ trong chốc lát và phục hồi nhanh chóng. Lúc này ý thức lơ mơ, huyết áp hạ, mạch nhanh, nhỏ. Nặng hơn, có thể bị sốc (mạch nhanh, huyết áp hạ, trán vã mồ hôi, cảm thấy lạnh).

Trong tình trạng trên, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh huyết áp thấp có thể dẫn đến tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy thận… thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nguy hiểm nhất là đột tử, lúc này người bệnh ở trong tình trạng không có huyết áp, không mạch.

Nên lưu ý rằng, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh huyết áp thấp có thể dẫn đến tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy thận… thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều trường hợp huyết áp thấp có thể dẫn tới tai biến mạch máu não, trong đó phần lớn là nhồi máu não (tỉ lệ này chiếm khoảng 30%). Vì vậy, có thể nói huyết áp thấp là “sát thủ dấu mặt”.

Nguyên tắc điều trị

Nếu bị huyết áp thấp, do suy giảm hoạt động của tuyển giáp hoặc do suy giam hemoglobin cần đi khám bệnh để xác định nguyên nhân cụ thể, trên cơ sở đó vừa điều trị nguyên nhân vừa điều trị huyết áp thấp có hiệu quả. Để điều trị huyết áp thấp có thể dùng một số loại thuốc nhằm trợ tim mạch, tăng sức bóp của tim, nhưng cần có chỉ định của bác sĩ điều trị, người bệnh không được tự mua thuốc để điều trị.

Với những người huyết áp thấp do di truyền hoặc những người sống ở vùng cao có thể sống bình thường suốt đời với chứng huyết áp thấp (huyết áp thấp sinh lý), bởi vì, cơ thể con người có khả năng điều chỉnh huyết áp do các điểm tiếp nhận cảm áp là các tế bào thần kinh nhỏ trong động mạch gần tim giúp điều hòa huyết áp.

Các điểm tiếp nhận này sẽ là khâu trung gian truyền tín hiệu đến các cơ quan như thận, động mạch, tĩnh mạch và tim để điều chỉnh tăng hoặc giảm huyết áp khi cần thiết. Vì vậy, chức năng của chúng là đảm bảo duy trì đủ máu đến các cơ quan và mô của cơ thể. Với các trường hợp này nên có vận động cơ thể đều đặn thường xuyên, bài bản, uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày (khoảng từ 1,5 - 2, 0 lít).


TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG
Ý kiến của bạn