Huyết áp thấp khi mang thai do nhiều yếu tố khác nhau. Khi mang thai, lưu lượng máy tăng từ 1,2 – 1,5 lần so với bình thường để cơ thể có đủ máu cho cả thai phụ và thai nhi. Điều đó dẫn đến sự thay đổi nội tiết tố progesterone khiến mạch máu giãn ra và dẫn đến tình trạng huyết áp thấp.
Trong đa số trường hợp huyết áp thấp khi mang thai không gây ra vấn đề gì lớn và huyết áp sẽ trở lại mức trước khi mang thai sau khi bạn sinh con. Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai bị huyết áp thấp bệnh lý thì hết sức cẩn thận bởi trường hợp này tiềm ẩn rủi ro có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ thai phụ và sự phát triển của thai nhi.
1. Các yếu tố gây huyết áp thấp khi mang thai
Huyết áp là lực của máu khi nó đẩy vào thành động mạch trong khi tim bơm máu. Huyết áp có thể tăng hoặc giảm vào những thời điểm nhất định trong ngày và có thể thay đổi nếu thai phụ cảm thấy phấn khích hoặc lo lắng.
Kết quả đo huyết áp cho biết thông tin quan trọng về sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Đây cũng có thể là một cách để bác sĩ xác định xem thai phụ có mắc một bệnh lý nào khác cần được kiểm tra hay không, chẳng hạn như tiền sản giật.
Những thay đổi xảy ra trong cơ thể phụ nữ khi mang thai có thể ảnh hưởng đến huyết áp. Khi nâng đỡ em bé trong bụng, hệ tuần hoàn của thai phụ giãn nở nhanh chóng, có thể gây tụt huyết áp.
Các yếu tố khác có thể gây ra huyết áp thấp ở phụ nữ mang thai là khi cơ thể mất nước, chế độ dinh dưỡng kém, có tình trạng thiếu máu, không loại trừ trường hợp có chảy máu trong.
Một số loại thuốc, tình trạng dị ứng cũng có thể gây ra huyết áp thấp ở phụ nữ mang thai. Ngoài ra còn do một số yếu tố như: Tình trạng tim mạch; Rối loạn nội tiết; Rối loạn chức năng thận; Nhiễm trùng.
2. Huyết áp thấp khi mang thai và những rủi ro có thể gặp
Huyết áp thấp khi mang thai không phải là nguyên nhân đáng lo ngại trừ khi thai phụ gặp phải các triệu chứng bất thường hoặc dấu hiệu của huyết áp thấp bệnh lý.
Thai phụ bị huyết áp thấp sẽ cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, dễ ngã, từ đó dễ gây nguy hiểm cho bản thân và thai nhi trong bụng. Nguy hiểm hơn, tụt huyết áp có thể làm thai phụ bị ngất do thiếu oxy truyền lên não và các bộ phận trong cơ thể. Và vì đó, thai nhi có thể cũng sẽ không được cung cấp đủ máu và oxy để phát triển.
Huyết áp quá thấp có thể dẫn đến ngã, tổn thương nội tạng hoặc sốc.
Huyết áp thấp cũng có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung, xảy ra khi trứng đã thụ tinh làm tổ bên ngoài tử cung của phụ nữ.
3. Các triệu chứng của huyết áp thấp
Các dấu hiệu và triệu chứng của huyết áp thấp có thể bao gồm:
- Thai phụ hay bị chóng mặt, buồn nôn, nhất là lúc đột ngột thay đổi tư thế, ví dụ khi đứng lên hoặc ngồi xuống.
- Thường có cảm giác mệt mỏi, mất sức, thậm chí rất dễ ngất xỉu.
- Các vấn đề bất thường về thị lực như mờ mắt, mỏi mắt, hoa mắt.
- Luôn có cảm giác khát nước, kể cả khi mới uống nước.
- Da sần sùi, nhợt nhạt, nhất là tay và chân lạnh.
- Thở gấp, thở nhanh hoặc nông, cảm thấy hơi thở nóng.
- Thiếu tập trung, dễ có tâm trạng bất ổn, lo lắng.
Khi thấy bất kỳ triệu chứng nào của huyết áp thấp khi mang thai, bà bầu cần đi khám để được chẩn đoán bệnh, điều trị kịp thời để loại trừ tình trạng huyết áp bệnh lý hoặc tiềm ẩn bệnh.
4. Điều trị và cách phòng tránh huyết áp thấp khi mang thai
Nếu tình trạng huyết áp thấp khi mang thai không nguy hiểm, thai phụ sẽ không cần điều trị, bác sĩ sẽ tư vấn các biện pháp khắc phục tự nhiên tại nhà. Các bác sĩ thường không khuyên dùng thuốc cho phụ nữ mang thai trừ khi có các triệu chứng nghiêm trọng khả năng xảy ra biến chứng hoặc những phụ nữ mang thai bị huyết áp thấp kèm theo bệnh lý nền như tim mạch.
Huyết áp thấp thường là phản ứng của cơ thể trong giai đoạn đầu thai kỳ và đa phần sẽ tự ổn định ở giai đoạn tiếp theo của thai kỳ. Nếu thai phụ gặp các triệu chứng của huyết áp thấp, chẳng hạn như chóng mặt, thai phụ có thể thử những cách sau:
- Tránh đứng dậy nhanh khi bạn đang ngồi hoặc đang nằm do cơ thể chưa kịp thích nghi, máu chưa được đưa tới khắp cơ quan trong cơ thể.
- Không nên đứng quá lâu; cẩn thận trong đi lại, trong các thao tác làm việc, sinh hoạt thường ngày, chú ý làm chậm lại tốc độ hoạt động để tránh nguy cơ thay đổi tư thế nhanh, đột ngột.
- Nên thường xuyên vận động, tập các động tác một cách an toàn, nhẹ nhàng, phù hợp với các giai đoạn mang thai như đi bộ. Nguyên tắc là không hoạt động quá sức, gắng sức sẽ làm cơ thể mệt mỏi, căng thẳng rất dễ gây tụt huyết áp.
- Cần duy trì nếp sinh hoạt khoa học, ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý, không thức khuya. Cần chú ý đến tư thế khi ngủ, tốt nhất là tư thế ngủ nghiêng qua bên trái, nhất là những tháng cuối thai kỳ, tránh được tử cung chèn ép vào tĩnh mạch chủ dưới làm giảm lượng máu về tim, gây giảm lưu lượng tim. Thai phụ cần mặc quần áo rộng rãi và không tắm nước quá nóng.
- Phụ nữ mang thai phải có chế độ ăn lành mạnh, đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng. Tăng cường bổ sung chất xơ và các chất bổ sung khác theo tư vấn của bác sĩ. Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để giảm áp lực cho hệ tiêu hoá và uống đủ nước, không uống rượu, cà phê, không hút thuốc lá.
- Theo dõi huyết áp thường xuyên để phát hiện sớm các bệnh lý do huyết áp gây ra.
5. Khi nào cần đến bác sĩ?
Khi có những dấu hiệu bất thường của huyết áp thấp khi mang thai như chóng mặt, ngất xỉu, đau đầu, hoa mắt, khó thở, đau ngực, tê yếu một bên cơ thể, nhất là phụ nữ có tiền sử huyết áp thấp và huyết áp thấp vẫn xảy ra sau tháng thứ ba của thai kỳ, thai phụ cần nhanh chóng đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để đảm bảo sức khỏe cho thai phụ và thai nhi.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Người dân Hà Nội tìm mua thuốc điều trị COVID