Huyết áp thấp có nguy hiểm?

02-05-2014 10:25 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thời gian gần đây tôi hay bị choáng váng, chóng mặt, người khó chịu bứt rứt… nhưng chỉ một lúc rồi hết. Tôi ra trạm y tế khám được biết mình bị huyết áp thấp.

Thời gian gần đây tôi hay bị choáng váng, chóng mặt, người khó chịu bứt rứt… nhưng chỉ một lúc rồi hết. Tôi ra trạm y tế khám được biết mình bị huyết áp thấp. Vậy xin bác sĩ cho biết bệnh có nguy hiểm?

Trần Thị Xuân (Kom Tum)

Huyết áp là sức đẩy của dòng máu tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể, mỗi khi tim đập là lúc huyết áp cao nhất và gọi là huyết áp tâm thu. Khi tim nghỉ, khoảng thời gian giữa 2 lần tim đập thì huyết áp giảm đi, đó là huyết áp tâm trương. Chỉ số huyết áp phải căn cứ vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của từng người. Ở người khỏe mạnh, từ độ tuổi trưởng thành cho đến 30 - 45 tuổi: huyết áp tâm thu là 90 - 110mmHg, huyết áp tâm trương là 70 - 90mmHg được cho là bình thường. Từ 40 tuổi trở lên thì cứ mỗi 10 tuổi, mỗi chỉ số cộng thêm 10.

Huyết áp thấp là tình trạng huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương dưới 60mmHg hoặc giảm hơn 20mmHg so với trị số huyết áp bình thường trước đó.

Khi bệnh nhân bị tụt huyết áp nhiều lần, hệ thống thần kinh bị suy giảm chức năng, cơ thể không tự kịp điều chỉnh để cung cấp đủ dinh dưỡng và ôxy cho các cơ quan có chức năng sống còn như não, tim, thận gây tổn thương các cơ quan này. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh huyết áp thấp có thể dẫn đến tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận... thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, người bị tụt huyết áp cấp có thể gây sốc, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng trong những trường hợp như đang lái xe, làm việc trên tầng cao… Nếu huyết áp thấp kéo dài, còn làm cho các cơ quan thận, gan, tim, phổi suy yếu nhanh chóng.

Vì vậy, để xác định bệnh chị cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và tư vấn cụ thể.

Bác sĩ  Nguyễn Hải


Ý kiến của bạn