Hà Nội

Huyết áp thấp có nguy hiểm?

04-11-2017 13:48 | Đời sống
google news

SKĐS - Trong khi tăng huyết áp được coi là “sát thủ giấu mặt” của sức khỏe, thì huyết áp thấp lại nhận được ít sự quan tâm.

Khi bị hạ huyết áp, bệnh nhân chỉ cảm thấy khó chịu mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt... nhưng sau đó lại trở về bình thường nên nhiều người rất chủ quan với triệu chứng này. Tuy nhiên, huyết áp thấp cũng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm mà ít bệnh nhân biết tới.

Thế nào là huyết áp thấp?

Huyết áp là sức đẩy của dòng máu tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Mỗi khi tim đập là lúc huyết áp cao nhất và gọi là huyết áp tâm thu. Khi tim nghỉ, khoảng thời gian giữa 2 lần tim đập thì huyết áp giảm đi, đó là huyết áp tâm trương.

Trước đây người ta cho rằng, càng cao tuổi thì mức huyết áp bình thường càng tăng cao (hay cứ 10 tuổi thì huyết áp tâm thu bình thường tăng 10mmHg), đó là quan niệm sai. Ở người bình thường, mức huyết áp là <130/80 mmHg, khi huyết áp tâm thu ở mức 130-139 hay huyết áp tâm trương ở mức 80-89, người ta đã gọi là “tiền tăng huyết áp”, hay huyết áp cao giới hạn, huyết áp bình thường cao...

Huyết áp thấp là tình trạng huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương dưới 60mmHg hoặc giảm hơn 20mmHg so với trị số huyết áp bình thường trước đó.

Huyết áp thấp có nguy hiểm?Dấu hiệu của huyết áp thấp.

Ai dễ có huyết áp thấp?

Huyết áp thấp dễ xảy ra với những người có thể trạng yếu, suy dinh dưỡng, phụ nữ, cơ thể bị suy nhược do làm việc quá sức, stress, mất ngủ; người phải áp dụng giảm cân vì mắc các bệnh tim mạch, béo phì, đái tháo đường; những bệnh nhân bị suy giảm hoạt động của tuyến giáp. Khi cơ thể bị thiếu hụt hàm lượng hormon của tuyến giáp, sẽ có nguy cơ hạ huyết áp, kèm theo các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, rụng tóc, mạch chậm, huyết áp thấp và rất mệt mỏi...

Huyết áp thấp có nguy cơ gì?

Khi bệnh nhân bị tụt huyết áp nhiều lần, hệ thống thần kinh bị suy giảm chức năng, cơ thể không tự kịp điều chỉnh để cung cấp đủ dinh dưỡng và oxy cho các cơ quan có chức năng sống còn như não, tim, thận có thể dẫn đến các tổn thương tại cơ quan này.

Huyết áp càng thấp, tỷ lệ bị mất trí nhớ càng cao, nó gắn liền với bệnh mất trí Alzheimer. Khi huyết áp tâm trương dưới 70mmHg thì rất có khả năng bị chứng mất trí nhớ. Đặc biệt, huyết áp cứ giảm 10mmHg thì nguy cơ bị mất trí tăng 20%. Và những người có mức huyết áp thấp kéo dài liên tục trong hai năm có khả năng bị mất trí nhớ cao gấp hai lần.

Huyết áp hạ quá thấp cũng có thể làm nhịp tim nhanh, gây choáng, ngất. Và một điều ít ai biết, huyết áp thấp cũng là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não chiếm tỷ lệ 10 – 15% giống như tăng huyết áp; 30% số người nhồi máu não và 25% số người nhồi máu cơ tim là do huyết áp thấp. Đây là điểm rất đáng lưu ý đối với các bệnh nhân điều trị các thuốc hạ áp.

Biện pháp dự phòng và điều trị

Trước hết người bệnh cần đến khám và tư vấn các bác sĩ chyên khoa tim mạch để loại trừ các căn nguyên gây nên huyết áp thấp.

Về phương pháp điều trị, hiện nay chưa có một loại thuốc Tây y nào có hiệu quả lâu dài đối với căn bệnh này. Trong những trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể kê đơn cho người bệnh một số loại thuốc có tác dụng nâng huyết áp tạm thời như heptaminol, metaraminol…

Người hay bị hạ huyết áp nên tuân thủ theo chế độ sinh hoạt và ăn uống như sau:

Luyện tập thể dục đều đặn, hàng ngày phù hợp với sức khoẻ và độ tuổi giúp duy trì lưu thông máu trong cơ thể nên giảm chứng huyết áp thấp. Tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, thể dục dưỡng sinh, yoga; ngủ đủ giấc, tránh làm việc căng thẳng.

Ăn đủ các bữa (mà không nên bỏ bữa, vì nhịn đói sẽ gây tụt huyết áp do hạ đường huyết), đặc biệt bữa sáng rất quan trọng. Các chuyên gia khuyên nên ăn sáng với những thực phẩm tốt cho tim mạch và các loại nước hoa quả ép (nên thêm một ít muối) sẽ giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Thay vì việc chỉ ăn 3 bữa chính như thông thường, nên chia thành nhiều bữa nhỏ. Trong chế độ ăn uống thường ngày cần bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa các thành phần như protein, vitamin C và tất cả các loại vitamin thuộc nhóm B rất có lợi. Uống đủ lượng nước là rất quan trọng. Điều này càng đặc biệt quan trọng hơn trong khi đang luyện tập hoặc hoạt động, làm việc dưới điều kiện thời tiết nắng nóng. Nếu huyết áp thấp do thiếu máu (hay gặp ở phụ nữ), nên tăng cường thức ăn chứa nhiều sắt như thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương khô, cần tây, rau đay, rau rền, quả lựu, táo.

Khi bị huyết áp thấp, bệnh nhân thường được tư vấn chế độ ăn mặn hơn bình thường và bổ sung thêm các đồ uống có chất kích thích như chè, cafe... Khi có triệu chứng huyết áp thấp, bệnh nhân có thể dùng ngay một tách café, trà đường nóng, gừng... sẽ có thể giúp giảm nhanh và tạm thời các triệu chứng này. Để hạn chế hạ huyết áp tư thế, bệnh nhân được khuyên không nên thay đổi tư thế một cách đột ngột từ tư thế thấp sang tư thế cao. Khi thức dậy cần nằm thêm một lúc, làm vài động tác khởi động đơn giản rồi mới ngồi dậy: Để chân trên giường, sau đó mới từ từ thả chân xuống; ngồi một lúc rồi mới đứng lên.

Khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, cần nằm nghỉ ngơi ở tư thế đầu thấp để tăng lượng máu lên não. Nên tránh trèo cao, ra nắng gắt hoặc để bị lạnh đột ngột, nhất là lúc đêm khuya.


PGS. TS. Nguyễn Hải
Ý kiến của bạn