Mới ngoài 30 tuổi nhưng Phú đã bị tăng huyết áp. Đi khám bệnh, bác sĩ kê đơn và hướng dẫn Phú uống thuốc đều đặn, đúng giờ, hằng ngày kiểm tra huyết áp tại nhà và hẹn lịch đến bệnh viện khám lại định kỳ hoặc khám ngay khi có dấu hiệu bất thường.
Phú tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ nên hiện tượng đau đầu, tức ngực, khó thở bớt hẳn và huyết áp của anh rất ổn định. Mấy hôm nay thời tiết lạnh nên khớp gối của Phú sưng đau, đi lại tập tễnh, khó khăn. Đang nhăn nhó, Phú được hàng xóm mách rằng thuốc prednisolon chữa khớp rất tốt. Thế là Phú đi mua thuốc về uống. Được hai ngày, anh thấy khớp gối đỡ đau hẳn, nhưng huyết áp lại bất ổn, mặc dù anh đã uống thuốc hạ áp đều đặn.
PGS.TS. Nguyễn Đức Hải (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) giải thích: Prednisolon được chỉ định trong những trường hợp bị viêm khớp nặng mà các thuốc giảm đau chống viêm khác không có hiệu quả. Ngoài tác dụng chống viêm, thuốc còn có nhiều tác dụng phụ khác như giữ nước gây tăng huyết áp; tăng đường máu; loét dạ dày thậm chí chảy máu dạ dày, giòn xương, giảm sức đề kháng của cơ thể (dễ bị nhiễm trùng, vết thương lâu liền...). Chính vì vậy, trường hợp như của anh Phú là không được dùng thuốc này vì thuốc có thể làm nặng thêm bệnh tăng huyết áp. Ngoài ra, đối với các trường hợp bị bệnh lý dạ dày (trong tiền sử hoặc hiện tại) như viêm loét dạ dày - tá tràng; bệnh đái tháo đường, nhiễm virut, nhiễm khuẩn (đặc biệt là lao)... cũng là những chống chỉ định của prednisolon. Trong trường hợp bệnh nhân bị đau khớp, bác sĩ sẽ phải cân nhắc giữa tác dụng có lợi và có hại đối với từng người bệnh mà có chỉ định phù hợp. Nếu dùng, người bệnh phải được theo dõi chặt chẽ huyết áp để điều chỉnh thuốc hạ huyết áp kết hợp với chế độ ăn giảm muối tránh cho huyết áp bị tăng bất thường không kiểm soát được dễ dẫn đến những tai biến nguy hiểm. Vì vậy, đối với người bị tăng huyết áp nói chung không nên tự ý dùng thuốc.