Những người ở cao nguyên thường chọn biển để tham quan, du lịch. Có lẽ vậy mà nhiều người chưa hiểu hết thiên nhiên với bao điều kỳ thú trên chính vùng đất mình đang sống. Tôi cũng trong số họ nếu như chưa một lần đặt chân vào Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup - Núi Bà trên cao nguyên Lâm Viên hùng vĩ...
Mênh mông Bidoup - Núi Bà
Trên Cao nguyên Lâm Viên ngàn đời nay hiện hữu hai đỉnh núi cao nhất quanh năm phủ mờ sương trắng, trở thành biểu tượng và niềm tự hào của cư dân bản địa (Kơ Ho, Mạ, Churu...). Hai đỉnh núi nằm cách nhau hơn 50km dọc dãy Nam Trường Sơn và trải dài trên địa bàn huyện Lạc Dương (Lâm Đồng): Đỉnh Langbian (còn gọi là Núi Bà) cao 2.167m thuộc xã Lát và đỉnh Bidoup (2.287m) thuộc xã Đạ Nhim. Đỉnh Bioup cao nhất vùng Tây Nguyên nên được gọi là “Nóc nhà Tây Nguyên” - nơi khởi nguồn của 2 con sông dài nhất, nhì Việt Nam: sông Đồng Nai (khởi nguồn từ Lâm Đồng) và sông Sêrêpôk (hình thành và chảy qua tỉnh Đăk Lăk).
Giải thích về lịch sử của 2 đỉnh núi cao hùng vĩ nhất Tây Nguyên, theo người dân tộc thiểu số bản địa có rất nhiều câu chuyện huyền thoại khá thi vị. Chuyện rằng dãy LangBian (có 2 đỉnh) một cao, một thấp đó là mộ của chàng Lang và nàng Bian chết bên nhau; bởi hai người yêu nhau nhưng không qua vượt được lời nguyền cấm kỵ của hai dòng tộc và đỉnh Bidoup xa xa là hình một con voi lớn đầu đàn vì yêu mến, cảm động tình yêu hai người đã phủ phục chết theo. Chuyện rằng LangBian và Bidoup là hai anh em; Bidoup là em mà cứ cao hơn anh, LangBian không chịu đã gõ vào đầu và kéo em cúi xuống (do vậy, đỉnh Bidoup ngày nay khuyết một bên...). Hay một giai thoại khác, rằng chàng Lang và nàng Bian yêu nhau gặp lúc chiến tranh giữa các bộ tộc, chàng Lang lên đường chiến đấu và tử trận, nàng Bian chạy tìm người yêu và khóc rất nhiều. Nước mắt nàng chảy thành suối - đó là dòng Đạ Nhim (nước mắt - tiếng Kơ Ho) ngày nay...
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có hệ sinh thái đa dạng. Ảnh do vườn Quốc gia cung cấp
Những câu chuyện huyền thoại kể về đỉnh Bidoup - Núi Bà đều gắn với yếu tố tâm linh; đối với người dân tộc bản địa tất cả vạn vật trong đời sống đều có “thần”: thần rừng, thần sông, thần nước, thần mặt trời...Nên bao đời nay, các già làng truyền dạy con cháu không được xúc phạm thần linh, ai xâm hại rừng và mọi thứ trong rừng sẽ bị Yàng (Trời) bắt tội chết. Miễn bình luận, lý giải, chỉ biết rằng chính nhờ điều khuyên răn, cấm kỵ đó lan truyền đã góp phần gìn giữ “nóc nhà Tây Nguyên” xanh mênh mông và bạt ngàn với những giá trị vô giá của nó cho đến hôm nay và cho các thế hệ mai sau...
Nhận thức giá trị đặc biệt của rừng quyết định đến sự sinh tồn của Tây Nguyên và con người Tây Nguyên, từ năm 1986, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã có quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup - Núi Bà (gồm 3 khu vực: Cổng Trời, LangBian và Bidoup) do Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng quản lý. Đến ngày 19/11/2004, Chính phủ có quyết định “chuyển Khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup - Núi Bà thành VQG Bidoup - Núi Bà tỉnh Lâm Đồng”. VQG Bidoup - Núi Bà là một trong 5 VQG lớn nhất Việt Nam, có diện tích 70.083ha trải dài trên địa phận 5 xã (Đưng Knớ, xã Lát, xã Đạ Sar, xã Đa Nhim, xã Đạ Chays, thị trấn Lạc Dương của huyện Lạc Dương) và một phần của 2 xã Đạ Tông, Đạ Long, huyện Đam Rông (Lâm Đồng)...
Vùng rừng nguyên sinh đa dạng sinh học
VQG Bidoup - Núi Bà là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học (ĐDSH) của Việt Nam, là mẫu chuẩn hệ sinh thái quốc gia là vùng địa lý sinh học của các loại cây hạt trần. VQG Bidoup - Núi Bà có nhiều kiểu rừng: rừng kín thường xanh, rừng cây lá kim, rừng hỗn giao lá rộng và lá kim á nhiệt đới, rừng lùn đỉnh núi với trên 400 loài rêu rất thích hợp cho các loại cây, hoa cộng sinh phát triển... Trong đó, rừng thông được coi là độc đáo, rộng lớn và đẹp nhất trong các kiểu rừng thông ở Việt Nam. Đặc biệt, VQG Bidoup - Núi Bà có 12.000ha rừng thông lớn nhất Đông Nam Á và 300.000ha rừng nguyên sinh nối dài từ Lâm Đồng với các tỉnh Đăk Lăk, Khánh Hòa, Ninh Thuận... Tạo thế liên hoàn trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.
Bạch Hạt - một loài lan rừng quý ở VQG Bidoup - Núi Bà. Ảnh: DTH
“Sở hữu” một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn nên VQG Bidoup - Núi Bà có hệ sinh thái động, thực vật rất đa dạng và phong phú. Điều đáng quý là tại đây hiện có rất nhiều loài thực vật và động vật đặc hữu thuộc nhóm quý hiếm nằm trong Sách đỏ của Việt Nam và danh mục Sách đỏ IUCN (Liên hợp quốc tế bảo vệ thiên nhiên).
Về thực vật, có 1.923 loài, trong đó 96 loài đặc hữu và 62 loài quý hiếm; một số loài quý hiếm có giá trị như thông đỏ, thông 3 lá, thông 5 lá Đà Lạt, pơ mu; đặc biệt, thông 2 lá dẹt trên thế giới duy nhất chỉ có ở VQG Bidoup - Núi Bà. Các nhà khoa học quốc tế đã khảo sát hiện tại VQG này có hàng ngàn cây pơ mu và thông 2 lá dẹt sống xen trong các rừng thông; trong đó có một cây pơ mu đại thụ hơn 1.300 tuổi, cao 40m, chu vi 13,5m. VQG Bidoup - Núi Bà cũng là vương quốc các loài hoa lan Việt Nam, với trên 297 loài, có 26 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và Sách đỏ IUCN 2010.
Chim sẽ thông họng vàng. Ảnh do vườn Quốc gia cung cấp
Về động vật, là nơi sinh sống của hơn 422 loài động vật có xương sống thuộc 98 họ 30 bộ. Có 32 loài nằm trong danh lục Sách đỏ của IUCN. Nhiều động vật quý hiếm như: cu li nhỏ, chà vá chân đen, vượn đen má vàng, gấu chó, ngấu ngựa, báo lửa, sói lửa, bò tót, sơn dương... Có 75 loài thú và các loài thú lớn móng guốc: bò tót (Bos gaurus), trâu rừng (Bubalus arnee)... Các loài linh trưởng cũng khá phong phú (7 loài). Số loài thú cần bảo tồn tại VQG Bidoup - Núi Bà gồm 63 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam...
Thông 2 lá dẹt (Pinus Kremfi) Ảnh do vườn Quốc gia cung cấp
VQG Bidoup - Núi Bà còn là một trong 221 trung tâm chim đặc hữu của thế giới, gồm 15 bộ, 43 họ và 220 loài; trong đó 14 loài chim nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và 213 loài nằm trong Sách đỏ IUCN 2010. Tại đây, hiện có 3 vùng chim quan trọng là Bidoup, Langbiang và Cổng Trời (nằm trong 63 vùng chim quan trọng của Việt Nam), với 226 loài khác nhau; một số loài chim đặc hữu như: khướu đầu đen (Garrlax milleti), khướu đầu đen má xám (Garrulax yersini), trĩ sao (Rheinardia ocellata), Mi Langbiang (Crocias langbianis), sẻ thông họng vàng (Carduelis monguilloti)...Ngoài ra, còn ghi nhận tại vùng Bidoup - Núi Bà hiện có 76 loài lưỡng cư, bò sát và các loài cá, bướm, côn trùng thủy sinh cư trú sinh trưởng.
Triển vọng du lịch sinh thái gắn với cộng đồng
Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước một không gian tự nhiên mênh mông và bạt ngàn rừng xanh, thác nước, cỏ cây, hoa đẹp và muôn thú; trong đó có nhiều chủng, loài thực vật, động vật quý hiếm đang hiện hữu ở VQG Bidoup - Núi Bà. Với nhiều lợi thế về khí hậu, tự nhiên thiên nhiên và ĐDSH, VQG Bidoup - Núi Bà đang mở ra nhiều triển vọng phát triển du lịch sinh thái (DLST) gắn với giáo dục môi trường mà Ban Giám đốc VQG này đã và đang hướng tới. Sau gần 10 năm thành lập, đến nay, VQG Bidoup - Núi Bà đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hình thành bộ máy điều hành và khai thác các tour, tuyến du lịch phục vụ khách tham quan và nghiên cứu khoa học tại đây.
Chim Mi LangBian - Loià Chim đặc hữu ở VQG Bidoup - Núi Bà.Ảnh do vườn Quốc gia cung cấp
Hiện nay, VQG Bidoup - Núi Bà hợp tác với 6 tổ chức quốc tế về hỗ trợ nghiên cứu bảo tồn rừng, ĐDSH và phát triển DLST. Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ phát triển DLST dựa vào cộng đồng và cải thiện sinh kế thân thiện với môi trường. Các hoạt động của dự án góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa và nâng cao đời sống của cộng đồng... VQG Bidoup - Núi Bà đã khai thác ba tuyến DLST và giáo dục môi trường như: Tuyến tham quan thác Thiên Thai (dài 3,5km) khám phá rừng thông, rừng lá kim, rừng lá rộng... nghe thuyết minh, diễn giải các loài rau rừng ăn được, các loại cây làm thuốc truyền thống của người dân địa phương, tham quan thác Thiên Thai (cao 20m) còn giữ nguyên nét hoang sơ; đây là nơi sinh sống của thần nước được người K’Ho rất tôn kính. Tuyến tham quan đỉnh Bidoup (dài 17km): nghiên cứu nhiều kiểu rừng khác nhau: rừng thông thuần loại, rừng hỗn giao lá rộng lá kim, rừng lùn đỉnh núi. Chinh phục đỉnh Bidoup (2.287m) “nóc nhà Tây Nguyên”. Ở đây có nhiều loài lan rừng, đỗ quyên... rất đẹp; xem chim, nghe vượn hót, chụp hình lưu niệm bên gốc cây pơ mu trên một ngàn ba trăm năm tuổi (bán kính rộng hơn 3 người ôm). Tuyến Langbiang (dài 8,6km) chinh phục đỉnh Lang Biang cao 2.167m, là đỉnh núi cao thứ hai trên cao nguyên Lâm Viên, khối núi cao cuối cùng của dãy Trường Sơn; chiêm ngưỡng nhiều loài cây và giống chim đặc hữu mang tên địa phương như: đỗ quyên Lang Biang, chim Mi Langbiang, khướu đầu đen má xám, sẻ thông họng vàng...
Kết hợp DLST và giáo dục môi trường gắn với giới thiệu văn hóa cồng chiêng bản sắc độc đáo của dân tộc bản địa đang là hướng đi đúng và mở ra nhiều triển vọng cho một loại hình du lịch hấp dẫn, mang nhiều ý nghĩa của VQG Bidoup - Núi Bà...
Bài và ảnh: Thanh Dương Hồng