Huyền thoại “bảy con ve” nơi ngọn núi tình sử

03-09-2010 14:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Trong mấy buôn làng người Lạch, Cil quần tụ dưới chân dãy Langbiang huyền thoại thấm đẫm tình sử “Chàng Lang – Nàng Biang” có rất nhiều câu chuyện dân gian kỳ lạ, hấp dẫn.

Trong mấy buôn làng người Lạch, Cil quần tụ dưới chân dãy Langbiang huyền thoại thấm đẫm tình sử “Chàng Lang – Nàng Biang” có rất nhiều câu chuyện dân gian kỳ lạ, hấp dẫn. Có cả những huyền tích được chính những cư dân ở đây truyền miệng cho nhau để lý giải một thực tế hiện hữu. Không biết đã có ai thử “ăn đủ bảy con ve để có giọng hát cuốn hút” hay chưa nhưng người Lạch, người Cil tự hào bất cứ cư dân nào trong bộ tộc của họ cũng có thể cất tiếng hát. Một cộng đồng dân cư nhỏ bé, nhiều phần còn lạc hậu lại có tới hàng chục người là ca sĩ, nhạc sĩ được đông đảo công chúng biết đến và ngưỡng mộ từ khi họ vừa rời nương rẫy là một điều kỳ lạ.

 Buôn làng người Lạch dưới chân Langbiang.

Huyền tích “Bảy con ve sầu”

Trong lần đi thực hiện phóng sự Những người đàn bà đánh chiêng, chúng tôi đã nghe nữ nghệ nhân đánh chiêng Cil Jar kể câu chuyện này. Tục Lạch truyền rằng: “Người con trai, con gái của buôn làng muốn có giọng hát hay thì phải tìm bắt đủ bảy con ve sầu mang về cho thầy mo đọc thần chú và “sâm” cổ (theo ngữ điệu của nghệ nhân Cil Jar là động tác vuốt vào thanh quản - điều chỉnh cổ họng - PV ) rồi nướng lên ăn”. Kiểm chứng qua Krajan Plin,  nhạc sĩ trưởng thành từ nương rẫy, người đã viết ca khúc Langbiang sning (Nghĩ về Langbiang) giúp ca sĩ Bonneur Trinh đăng quang giải Nhất - Tiếng hát Truyền hình TP. Hồ Chí Minh năm 2001 lúc chưa hề trải qua một lớp đào tạo lý luận sáng tác nào, anh cho biết: “Tôi cũng không biết thực hư thế nào nhưng câu chuyện này muốn nói lên rằng, người Lạch luôn ước ao có được giọng hát cuốn hút, bền bỉ như tiếng ve sầu. Đó là một lối so sánh và suy nghĩ cực kỳ lãng mạn của cha ông”.

Cũng như Plin, vô cùng yêu những câu chuyện dân gian lãng mạn nhưng chúng tôi chẳng có cơ sở nào để mổ xẻ, truy nguyên, chỉ khâm phục sự lãng mạn của một cộng đồng thiểu số mà đời sống nương rẫy gần như còn giữ vai trò tuyệt đối quan trọng đối với họ. Hỏi chuyện ca sĩ Bounnuer Trinh, cô gái đã lấy tên buôn làng (Bounnuer) làm nghệ danh và tạo nên “thương hiệu” cho giọng ca của mình sau hơn 7 năm thành danh, cô cũng lắc đầu: “Từ hồi ông bà đã yêu ca hát rồi, em cũng không biết giải thích thế nào. Nhưng quả là người Lạch ai cũng biết hát, ai cũng yêu văn nghệ. Đó là bản năng thiên phú, trời đất núi rừng ban cho mình như thế. Lúc đoạt giải Nhất Tiếng hát Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh em cũng chưa trải qua trường lớp nào cả!”. Cũng giống Bounnuer Trinh, nhạc sĩ Krazăn Dick, người con của buôn Đăngya, sau khi đã viết Nồng nàn Cao nguyên nổi tiếng được nhiều người yêu mến cũng chỉ bộc bạch: “Người Lạch, người Cil dưới chân núi Langbiang yêu âm nhạc ngay từ khi máu ở trong mình biết chảy”.

Chẳng ai giải thích rõ ràng và cũng không cần truy nguyên. Bộ tộc Lạch, Cil lãng mạn cứ thế, càng ngày càng sinh ra nhiều người con yêu ca hát, âm nhạc và tự nhiên thành danh bằng tài năng thiên bẩm của mình.

Và những nghệ sĩ đi từ núi rừng

Năm 2001, khi nghe tin Bounnuer Trinh đoạt giải Nhất Tiếng hát truyền hình TP Hồ Chí Minh, già làng Păngtinh Bốr đã nói rằng: “Ở đây còn nhiều người hát hay như Trinh lắm”. Quả đúng như vậy, sau đó một năm, hai dì cháu Krazăn Út và Cil Pơi người cùng lớn lên ở buôn Bounnuer B với  Trinh tiếp tục gây ngạc nhiên khi vượt gần sáu ngàn thí sinh trong cả nước để cùng 15 người khác vào đêm chung kết giải Sao Mai 2003 do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tại Khu du lịch Tuần Châu - Quảng Ninh. Chỉ trong một buôn nhỏ mà có tới ba giọng ca nổi lên trong một thời gian ngắn, thật đáng ngạc nhiên. Nhưng càng ngạc nhiên hơn khi nghe Krajan Plin, phát biểu: “Các giọng hát đó chưa phải là những giọng hát hay nhất của buôn này!...”. Công chúng trong tỉnh, trong nước còn biết đến giọng hát của những người con Xã Lát như Cil Glé, Pantinh Sally, Pantinh Benziên, Krajan Drim, Krajan Doan, Liênghot Uyên Ly... Ngoài ra, bà con buôn Bounnuer, buôn Đưng, buôn Đăngya còn nhắc đến mười người con của họ đang theo học tại các trường nghệ thuật trong nước. Không biết những chàng trai, cô gái ấy có được “ăn bảy con ve để nuôi giọng hát” như câu chuyện lưu truyền ở buôn hay không, nhưng quả thật, người dưới chân núi Langbiang có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh và từ vùng đất này đã cất lên rất nhiều giọng hát...

 Biểu diễn cồng chiêng, hoạt động văn hóa thường xuyên của người Lạch, Cill.

Chẳng biết huyền tích có trước hay bản tính lãng mạn, yêu thích ca hát của những người Lạch, người Cil tạo nên huyền tích dân gian nhưng “mật độ dày” số người tham gia sự nghiệp văn hóa, văn nghệ và thành danh trên sân khấu âm nhạc ở các buôn làng nhỏ bé này thì quả là điều kỳ lạ. Sau Bounnuer Trinh, Krazăn Út, Cil Pơi, Cil Glé, Pantinh Sally, Pantinh Benziên, Krezan Drim, Krazan Doan, Liênghot Uyên Ly... thành công trên sân khấu âm nhạc trong tỉnh và trong nước, người Lạch, người Cil ở đây lại tiếp tục tự hào với những cái tên Dagout Liêm, Krajan Sik, Krajan Điôn, Liêng Hót Kinh... Những cái tên mới này, dù chưa tạo được “thương hiệu” như Bounnuer Trinh hay Krajan Dick nhưng cũng đủ mang niềm tự hào cho người Cil, người Lạch. Bởi, trong tất cả các buôn, làng ở Tây Nguyên, chẳng có nơi nào chỉ một cộng đồng nhỏ bé chưa tới vài nghìn dân lại có đông người tham gia các cuộc thi ca hát cấp tỉnh, cấp khu vực và toàn quốc nhiều như các buôn người Lạch, người Cil dưới chân ngọn núi Langbiang này.

Không một ai yêu âm nhạc khi đặt chân lên cao nguyên Langbiang lại không tự ngân nga vài câu trong các ca khúc Nồng nàn cao nguyên, Tạm biệt suối nguồn của Krajan Dick hay Langbiang sning, Ka Bing ơi, em hãy về, Ban Mê nhớ của Krajan Plin và cả Hoa Langbiang - nhạc phẩm nổi tiếng được lấy cảm hứng từ vùng Langbiang của Đình Nghĩ - chàng nhạc sĩ người Kinh yêu cao nguyên. Tiếng hát, lời ca đã gọi tình yêu núi rừng hay chính tình yêu núi rừng chắp cánh cho những ca khúc, giọng hát bay cao? Cũng chẳng ai trả lời câu hỏi đó bởi tình yêu nào cũng tự nhiên đến từ hai phía, tự nhiên như gió núi, suối rừng và cả như những điều thiên bẩm kỳ lạ của các chàng trai, cô gái Lạch, Cil nơi đây!

Bốn năm trước, chúng tôi vào buôn Đăngya, Cil Dalin và Cil Jolin - hai con của Krajan Plin mới chỉ là những cô bé, cậu bé phụ việc cho bố trong trong câu lạc bộ cồng chiêng “Những người bạn Langbiang”. Trở lại lần này thì Dalin đã là học viên Trường Nghệ thuật Quân đội còn Yolin là sinh viên năm thứ tư Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh! Lại thêm những người trẻ ra đi từ chân núi  gia nhập làng sân khấu nước nhà. Huyền tích Bảy con ve sầu lại sẽ được kể mãi trong những đêm rừng!

Bài và ảnh: Sơn Tùng


Ý kiến của bạn