Kế hoạch đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2025 là thông qua các nguồn lực, đặc biệt là nguồn từ Chương trình MTQG 1719.
Thông qua thực hiện dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các loại cây dược liệu quý có giá trị kinh tế để hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý đạt tối thiểu 210 ha, trong đó ưu tiên hỗ trợ dự án phát triển vùng trồng dược liệu quý có ứng dụng công nghệ cao (có quy mô từ 30ha trở lên). Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho tối thiểu 300 lao động địa phương; trong đó tối thiểu 50% lao động là người dân tộc thiểu số. Thu hút đầu tư xây dựng 01 nhà máy sơ chế, chế biến… dược liệu trên địa bàn huyện.
Giai đoạn từ năm 2026 – 2030 đưa nghề trồng cây dược liệu trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Đồng thời, duy trì 210ha và mở rộng diện tích để phát triển vùng trồng dược liệu trên địa bàn huyện. Duy trì, phát triển ổn định ít nhất từ 01 - 02 liên kết sản xuất từ khâu trồng, thu mua, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu.
Hình thành được khu vực bảo quản, sơ chế, chế biến và chiết xuất đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế đối với các cây dược liệu. Tạo lập được ít nhất 02 sản phẩm dược liệu bền vững được truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo chất lượng. Hình thành một số dịch vụ tại các địa điểm du lịch phục vụ chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền từ cây dược liệu truyền thống của đồng bào dận tộc.
Theo kế hoạch, nguyên tắc quản lý, tổ chức thực hiện dự án dược liệu quý bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc trong quản lý, tổ chức thực hiện và các quy định pháp luật có liên quan về nuôi trồng, quản lý và khai thác dược liệu.
Phát triển dự án dược liệu quý phải gắn với bảo tồn nguồn gene dược liệu, bảo đảm các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng. Ưu tiên lựa chọn các dự án sử dụng trên 50% lao động là nữ, dự án ứng dụng công nghệ cao và các dự án nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân sinh sống trên địa bàn thực hiện dự án để hình thành vùng nguyên liệu.
Tổng diện tích các khu vực triển khai dự án vùng trồng dược liệu quý tối thiểu là 210 ha trên địa bàn 09 xã của huyện Sơn Động. Đầu tư xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị dược liệu gắn với nuôi trồng, sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tại địa phương; hỗ trợ hình thành các liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ gia đình, các tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bảo tồn nguồn gene đặc hữu, bản địa, có giá trị dược liệu.