Huyền sâm giải độc tiêu viêm

24-03-2012 10:18 | Y học cổ truyền
google news

Theo y học cổ truyền, huyền sâm có vị ngọt hơi đắng, tính hàn. Quy kinh phế, vị, thận. Huyền sâm được xếp vào loại thuốc thanh nhiệt giáng hỏa, được dùng khi nhiệt độc đã nhập vào phần dinh, phần huyết, phần tâm bào lạc, dẫn đến sốt cao, phát cuồng, mê sảng, có thể phối hợp với sinh địa, mẫu đơn bì, hoàng liên…

Huyền sâm hay còn gọi là hắc sâm (Scrophularia buergeriana Miq.), họ hoa mõm sói (Scrophulariaceae), đều chỉ một cây thuốc, cho một vị thuốc là rễ của nó có màu đen từ ngoài vào trong, có tác dụng thanh nhiệt giải độc.

Theo y học cổ truyền, huyền sâm có vị ngọt hơi đắng, tính hàn. Quy kinh phế, vị, thận. Huyền sâm được xếp vào loại thuốc thanh nhiệt giáng hỏa, được dùng khi nhiệt độc đã nhập vào phần dinh, phần huyết, phần tâm bào lạc, dẫn đến sốt cao, phát cuồng, mê sảng, có thể phối hợp với sinh địa, mẫu đơn bì, hoàng liên… Huyền sâm với tính chất sinh tân, dưỡng huyết, dùng trong các trường hợp tân dịch bị tổn thương, phối hợp với các thuốc bổ âm, như thiên môn đông, mạch môn, thạch hộc…
 
Huyền sâm có tác dụng giải độc, tiêu viêm, phối hợp với các vị thuốc thanh nhiệt giải độc, như kim ngân hoa, liên kiều, ké đầu ngựa… trong các trường hợp mụn nhọt, ban chẩn, viêm họng, viêm tai, đau mắt đỏ… Còn có tác dụng nhuyễn kiên tán kết, tức làm mềm các khối rắn, như nhọt độc, u, cục, lao hạch. Ngoài ra còn có tác dụng tiêu khát, tư bổ thận âm. Liều lượng chung thường từ 6 - 12g
 Huyền sâm thanh nhiệt giải độc, là vị thuốc chữa sốt cao, mụn nhọt, mẩn ngứa.

Một số cách dùng huyền sâm làm thuốc:

- Trị viêm họng, viêm amidan, mụn nhọt, lở ngứa: huyền sâm, sài đất, thổ phục linh mỗi vị 10 -12g; cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liền tới khi hết các triệu chứng.

- Trị ho lâu ngày do phế âm hư, huyết hư: huyền sâm, đương quy, bạch thược, cát cánh mỗi vị 6g; mạch môn, sinh địa, mỗi vị 8g; bách hợp 10g; thục địa 12g; cam thảo 4g. Dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày 1 thang, uống liền 3 - 4 tuần lễ.

- Dùng cho người lao phổi: huyền sâm, sa sâm, mạch môn, sinh địa mỗi vị 12g; thiên môn, a giao, bách bộ mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Uống  3 - 4 tuần lễ, nghỉ 1 tuần rồi uống lại liệu trình nữa.

- Trị sốt cao, mụn nhọt, mẩn ngứa: huyền sâm, sinh địa, kim ngân hoa, liên kiều, bột sừng trâu, mạch môn mỗi vị 12g; đạm trúc diệp 10g; đan sâm 8g; hoàng liên 6g. Sắc uống ngày 1 thang, uống tới khi hết các triệu chứng.

- Trị u, nhọt kết thành khối rắn: huyền sâm, liên kiều mỗi vị 16g; mẫu lệ, hạ khô thảo mỗi vị 12g; bối mẫu 8g. Uống ngày 1 thang, uống liền tới khi hết các triệu chứng.

- Trị viêm hạch, lao hạch, nhọt vú: huyền sâm 20g; nga truật, xạ can, bồ công anh, mộc thông mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống nhiều ngày tới khi các triệu chứng thuyên giảm

- Trị tiểu đường có khát nhiều, táo nhiều: huyền sâm 16g; sinh địa, thiên hoa phấn mỗi vị 20g; mạch môn, tri mẫu mỗi vị 12g, thạch cao 40g; hoàng liên 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Uống  3-4 tuần lễ, nghỉ 1 tuần rồi uống lại.

- Trị tiểu đường mà phế, vị đều nhiệt: huyền sâm 15g; hoàng cầm, hoàng liên, mần tưới mỗi vị 6g; thương truật 9g; hạnh nhân 4g. Sắc uống ngày 1 thang,  chia 3 lần. Uống  3 - 4 tuần lễ, nghỉ 1 tuần rồi uống lại.

- Trị loét miệng: huyền sâm 12g; sinh địa, cỏ nhọ nồi mỗi vị 16g; sa sâm, mạch môn, hoàng bá, ngọc trúc mỗi vị 12g; tri mẫu, đan bì mỗi vị 8g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Uống  tới khi các triệu chứng thuyên giảm.

Kiêng kỵ: Do vị thuốc có tính lạnh nên  không dùng  cho những người tỳ vị hư hàn, đại tiện lỏng.            

  Phạm Xuân Sinh


Ý kiến của bạn