Huyện Lương Sơn trước khi sáp nhập về Hà Nội: Cấp đất “siêu tốc”...

30-09-2008 06:10 | Thời sự
google news

Một quá trình phê duyệt siêu tốc đã diễn ra với một tốc độ chóng mặt, 4 quyết định bình thường phải kéo dài hàng năm trời được ký trong vòng 8 giờ hành chính. Điều đáng nói là trong cùng một ngày, UBND tỉnh Hòa Bình đồng ý chủ trương,

Một quá trình phê duyệt siêu tốc đã diễn ra với một tốc độ chóng mặt, 4 quyết định bình thường phải kéo dài hàng năm trời được ký trong vòng 8 giờ hành chính. Điều đáng nói là trong cùng một ngày, UBND tỉnh Hòa Bình đồng ý chủ trương, phê duyệt Nhiệm vụ thiết kế và phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng các khu đô thị, khu chức năng đô thị… thiếu công khai thông tin đến mọi người dân trong khu vực lập quy hoạch gây bức xúc trong dư luận.

Khối lượng dự án bất hợp lý trên địa bàn nhỏ

Trong báo cáo của Bộ Xây dựng về việc kiểm tra, rà soát về quy hoạch, thu hồi đất, giao đất của UBND tỉnh Hòa Bình trên địa bàn 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung của huyện Lương Sơn (nay sáp nhập về huyện Quốc Oai và Thạch Thất, TP. Hà Nội) chỉ rõ, khi có thông tin mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội, trên địa bàn 4 xã này đã xảy ra tình trạng các chủ đầu tư tranh thủ lập đồ án quy hoạch, dự án đầu tư, đăng ký đầu tư ồ ạt tại tỉnh Hoà Bình. Tính đến trước ngày 4/3/2008 (ngày Chỉ thị 260/CT-TTg có hiệu lực) đã có 54 dự án triển khai, trong đó có 29 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc có văn bản chấp thuận cho phép đầu tư nhưng lại chỉ có 20 dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết; 25 dự án mới đang đề xuất đầu tư hoặc đang nghiên cứu. Đây là khối lượng dự án rất lớn, bất hợp lý trên địa bàn không rộng và có điều kiện địa hình, hiện trạng hạ tầng cơ sở còn khó khăn như 4 xã phía Bắc huyện Lương Sơn.

 Bản đồ quy hoạch Khu đô thị Tiến Xuân, Lương Sơn, Hòa Bình. Ảnh: TL
 
Do chưa có quy hoạch chung xây dựng toàn khu vực địa giới 4 xã làm cơ sở kết nối về khung hạ tầng kỹ thuật, phân khu chức năng phù hợp với mô hình phát triển không gian bền vững, nên nhóm đồ án, dự án ở khu vực thuộc vị trí trung tâm của 4 xã (là các xã Tiến Xuân và Yên Bình) sẽ có nhiều bất cập nếu tiếp tục triển khai. Thực tế các đồ án, dự án đã và đang triển khai chỉ nghiên cứu trong phạm vi giới hạn khu đất của dự án; có dự án còn vi phạm vào vùng cấm xây dựng của tuyến hạ tầng kỹ thuật quốc gia. Một số dự án chưa gắn với địa hình tự nhiên, cảnh quan, môi trường; chưa có giải pháp tốt để bảo tồn làng, bản dân tộc cũng như các giải pháp bảo tồn, gìn giữ môi trường sinh thái.

Quyết định kéo dài hàng năm chỉ ký trong vài giờ

Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Bộ Xây dựng cũng đã làm rõ việc cấp đất dự án khu biệt thự nhà vườn xã Yên Bình do Công ty cổ phần thương mại Quốc tế Thành Như làm chủ đầu tư với diện tích hơn 7,1ha. Toàn bộ khu đất canh tác nông nghiệp rộng hơn 23,4ha được UBND tỉnh Hòa Bình giao cho huyện Lương Sơn quản lý từ năm 2001. Khu đất tiếp tục được giao cho UBND xã Yên Bình quản lý, bảo vệ giữ nguyên hiện trạng, nghiêm cấm các hộ gia đình, cá nhân lấn chiếm, xây dựng nhà cửa, chuyển nhượng đất đai. Tuy nhiên, sau đó một số người đã chuyển nhượng đất trái phép và xây dựng một số công trình nhà cửa trong khu vực nói trên. Đầu năm 2004, UBND tỉnh Hòa Bình thu hồi lại hơn 7,1ha để bán đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, việc bán đấu giá gặp khó khăn, mãi tới cuối tháng 1/2008 vừa qua, UBND tỉnh mới chấp thuận cho Công ty Thành Như thực hiện dự án đầu tư tại khu vực 7,149ha này.

Bắt đầu từ đây, một quá trình phê duyệt siêu tốc đã diễn ra với một tốc độ chóng mặt, 4 quyết định bình thường phải kéo dài hàng năm trời được ký trong vòng 8 giờ hành chính: Trong một ngày 29/2, UBND tỉnh Hoà Bình có quyết định cho phép Công ty cổ phần thương mại Quốc tế Thành Như làm chủ đầu tư dự án xây dựng Khu biệt thự nhà vườn xóm Dân Lập, xã Yên Bình theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất một lần. Cùng ngày, UBND tỉnh Hòa Bình có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ thiết kế Khu biệt thự nhà vườn xóm Dân Lập, xã Yên Bình. Cũng trong ngày 29/2, Sở Xây dựng Hòa Bình đã có văn bản thẩm định hồ sơ quy hoạch chi tiết 1/500 khu biệt thự nhà vườn này để "chuyển gấp" cho UBND ra thêm quyết định việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 khu biệt thự. Căn cứ vào tờ trình của Sở KH-ĐT, ngay trong ngày 29/2, UBND tỉnh đã cấp ngay Giấy chứng nhận đầu tư dự án này cho Công ty Thành Như.

Kiểm tra lại quá trình này, Bộ Xây dựng cho rằng "Trong cùng một ngày, UBND tỉnh Hòa Bình đồng ý chủ trương, phê duyệt Nhiệm vụ thiết kế và phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng các khu đô thị, khu chức năng đô thị... thiếu công khai thông tin đến mọi người dân trong khu vực lập quy hoạch gây bức xúc trong dư luận. Việc triển khai quá gấp các thủ tục hành chính trong cùng một ngày, lại có nhiều đồ án quy hoạch, dự án đầu tư được phê duyệt Nhiệm vụ thiết kế, phê duyệt hồ sơ quy hoạch, giấy chứng nhận đầu tư sẽ không tránh khỏi những sai sót trong việc kiểm tra, thẩm định tính khả thi của dự án, sự hợp lý và hiệu quả sử dụng đất trên cùng một địa bàn".

Ngay sau khi phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500, chỉ trong thời gian ngắn khoảng 5 - 15 ngày đã có quyết định thu hồi đất giao cho một số dự án (trong đó có dự án Khu biệt thự nhà vườn xã Yên Bình). Trong khi đó còn thiếu một số cơ sở pháp lý như: thẩm định dự án đầu tư, thiếu thiết kế cơ sở hoặc chưa thẩm định, không có biên bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất... là thể hiện sự vội vàng trong giải quyết thủ tục hành chính và thiếu dân chủ ở cơ sở khi người dân trong khu vực dự án không được biết hoặc không có đủ thời gian để tìm hiểu cũng như đồng thuận trong vấn đề thu hồi đất.

Anh Đào


Ý kiến của bạn