Huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh: Xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1

14-03-2017 19:56 | Thời sự
google news

SKĐS - Bác sĩ Lê Văn Xuân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Kỳ Anh cho biết: Ngày 3/3/2017, tại hộ gia đình ông Võ Thành Trung, Thôn Kim Sơn, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh đã xuất hiện ổ dịch cúm A(H5N1).

Ông Trung có số lượng đàn gia cầm gồm: 500 con gà, 20 con ngan, sau khi có dấu hiệu đàn gia cầm ủ rủ, phân xanh, mào gà tím tái đầu sưng và có xuất huyết ở chân, một số con chết, ông Trung đã báo cáo lên chính quyền địa phương.

Sau khi nhận được thông báo, UBND huyện đã phối hợp với Trung tâm YTDP huyện tiến hành lấy 05 mẫu bệnh phẩm gồm 04 đầu gà và 01 đầu ngan gửi đi xét nghiệm, kết quả dương tính với H5N1. Đồng thời tiến hành tiêu hủy toàn bộ số gà, ngan gồm 520 con, thực hiện đúng quy trình tiêu độc khử trùng tại khu vực ổ dịch. Cùng với đó, UBND xã Kỳ Bắc đã thành lập BCĐ tiêu hủy gia súc, gia cầm và ra thông báo về việc phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N1 cho toàn thể nhân dân được biết và hướng dẫn cho nhân dân các biện pháp phòng, chống.

Trung tâm YTDP huyện đã chỉ đạo Trạm Y tế xã Kỳ Bắc đã tiến hành họp cán bộ y tế thôn và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng y tế thôn theo dõi tình hình dịch cúm gia cầm. Đồng thời lập danh sách những người tiếp xúc trực tiếp với đàn gia cầm từ ngày 3/3 đến nay và theo dõi nhiệt độ ngày 2 lần; phối hợp với đài phát thanh của xã tuyên truyền ngày 2 lần trên hệ thống thông tin đại chúng; tiếp tục điều tra và giám sát dịch hằng ngày và báo báo về Trung tâm YTDP huyện để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bác sĩ Lê Văn Xuân cho biết: Bệnh cúm gia cầm cúm A(H5N1) lây sang người là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm A(H5N1) gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm A(H5N1) hoặc do ăn thịt gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa nấu chín kỹ. Bệnh có biểu hiện: sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay cúm gia cầm chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Chính vì vậy, người dân cần chủ động phòng chống bệnh cho bản thân và gia đình.

Để chủ động phòng chống bệnh cúm A(H5N1) ở người, người dân nên thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh; không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, người dân phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn