Huyện Đakrông tăng cường các giải pháp nhằm kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

25-11-2021 16:59 | Xã hội
google news

SKĐS - Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cơ cấu dân số, hôn nhân gia đình và trật tự, an toàn xã hội...

Do đó, từng bước khống chế tình trạng mất cân bằng giới, đưa tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng trên địa bàn huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) là yêu cầu cấp thiết đòi hỏi các cấp, các ngành cần có những giải pháp cụ thể.

Nguyên nhân nào dẫn đến mất cân bằng giới ở Đakrông?

Theo kết quả điều tra từ năm 2016 đến 2020, tỉ lệ sinh (nam/nữ) ở huyện Đarkrông như sau: năm 2016 là 108,2/100; năm 2017 là 107,5 /100; năm 2018 là 123,6 /100; năm 2019 là 100,5/100 nữ; năm 2020 là 94 /100 nữ.

Mặc dù tỉ lệ giới tính khi sinh ở Đakrông tăng giảm theo từng năm, nhưng mong muốn có con trai của từng hộ gia đình lại rất lớn. Do đó, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên lại tăng cao. Năm 2016 tổng số sinh con thứ 3 trở lên là 164 trẻ (chiếm tỉ lệ 19,1%), đến 2019 tăng lên 31%.

Nguyên nhân sâu xa và gần như mang tính quyết định dẫn tới tình trạng MCBGTKS là định kiến, tư trưởng trọng nam khinh nữ của mỗi gia đình, dòng họ; tâm lý mong muốn có con trai để nối dõi tông đường.

Đakrông tăng cường các giải pháp nhằm kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh - Ảnh 1.

Mất cân bằng giới khi sinh đã ở mức báo động.

Chính vì muốn có con trai nên nhiều phụ nữ, nhất là con dâu trưởng hay con dâu duy nhất trong gia đình sau khi đã sinh con gái phải chịu sức ép sinh thêm, sinh bằng được con trai từ phía gia đình nhà chồng...

Ngoài nguyên nhân trên thì sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng là nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh.

Sự mất cân bằng giới tính khi sinh không chỉ gây ra những khó khăn, thách thức lâu dài đối với công tác dân số, mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến gia đình và cộng đồng.

Giải pháp nào cho tình hình mất cân bằng giới?

Trước thực trạng đó, để đảm bảo sự phát triển bền vững theo quy luật tự nhiên giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, huyện Đakrông đã tiến hành triển khai đồng bộ các giải pháp:

- Tiếp tục tuyên truyền về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình để người dân tự giác chấp nhận quy mô gia đình nhỏ "dù gái hay trai chỉ hai là đủ"; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 2, điều 7 của Pháp lệnh Dân số về việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.

- Quy định nghiêm và chặt chẽ hơn nữa trong việc công bố giới tính thai nhi tại các bệnh viện cũng như phòng khám tư nhân; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm sinh đẻ theo quy định của nhà nước, nhất là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… 

-Tuyên truyền sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi như: Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh Dân số, các điều, khoản nghiêm cấm thông báo giới tính thai nhi tại Nghị định số 176/2013/NÐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, Chỉ thị số 04/CT-BYT ngày 15/03/2016 của Bộ Y tế về việc tăng cường giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh… ở các địa phương, đơn vị, đặc biệt ở những nơi có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao.

-Tăng cường đổi mới nội dung, hình thức cung cấp thông tin về giới và mất cân bằng giới tính khi sinh  cho người dân. Trước hết là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, sinh con một bề; những địa phương, đơn vị có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao; những người cung cấp dịch vụ siêu âm, dịch vụ nạo phá thai; những người có uy tín trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về giới, hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh... hạn chế các hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên của con người; thúc đẩy hơn nữa vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội; thực hiện triệt để quyền bình đẳng giới, nâng cao vị thế và quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn huyện Đakrông.

Mời độc giả xem thêm video:

Ba loại nước không nên uống sau khi ngủ dậy hoặc khi đói.


PV
Ý kiến của bạn