Theo Nghị định, việc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện chỉ được thực hiện khi người nghiện tự nguyện tham gia điều trị. Đối với người nghiện chất dạng thuốc phiện chưa đủ 16 tuổi, chỉ được điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của người đó. Đồng thời, việc điều trị cũng chỉ được thực hiện tại cơ sở điều trị đã được cấp giấy phép hoạt động theo quy định.
Thuốc sử dụng cho điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.
Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Nguồn: UBQG PC AIDS và PC tệ nạn ma túy, mại dâm. |
Nghị định cũng nêu rõ, nghiêm cấm việc bán ra thị trường hoặc cung cấp thuốc điều trị thay thế cho cơ sở không được phép điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện theo quy định tại Nghị định này. Cấm lợi dụng việc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện để tổ chức, buôn bán và sử dụng trái phép chất ma túy hoặc ép buộc người nghiện chất dạng thuốc phiện tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện dưới mọi hình thức…
Đồng thời, sẽ tiến hành thu hồi và đình chỉ giấy phép hoạt động đối với cơ sở điều trị không hoạt động sau 12 tháng được cấp giấy phép hoạt động, cơ sở điều trị tạm dừng hoạt động trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc đã chấm dứt hoạt động…
Theo Nghị định, Ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí khám sức khỏe, chi phí điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện cho các đối tượng tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện trong cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, trại giam, trại tạm giam.
Ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần chi phí khám sức khỏe và chi phí điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện cho người tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện tại các cơ sở điều trị công lập đối với 6 đối tượng là: Thương binh; Người bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ thương tật trên 81%; Người nghèo; Người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa; Trẻ em mồ côi; Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.