Thông tin phản ánh của bạn đọc cho biết, cơ sở thẩm mỹ Huyền Châu Beauty (số 154 Khương Đình, Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) đang hoạt động một số dịch vụ thẩm mỹ gây chảy máu như tiêm botox, tiêm filer, tiêm thon gọn, căng chỉ, tiêm tinh chất giảm thâm quầng mắt… cho khách hàng, trong khi cơ sở này không phải là phòng khám chuyên khoa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động.
Cơ sở thẩm mỹ Huyền Châu Beauty có địa chỉ tại số 154 Khương Đình, Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Mai.
Theo tìm hiểu của PV, trên mạng xã hội Facebook, Tiktok, tài khoản Huyền Châu Beauty đăng tải các hình ảnh, video quảng cáo các dịch vụ sau: Tiêm filler (môi, má, trán, cằm, rãnh lệ, mông, thái dương, bọng mắt cười, rãnh cười, tai, khung viền cằm); Tiêm botox (gọn hàm, trị mồ hôi, hở lợi, body, nâng cơ, xóa nhăn); Tiêm Bap đẹp da; Tiêm than mỡ body; Tiêm tan mỡ face; Tiêm trị thâm mắt.
Trên fanpage Huyền Châu Beauty, PV được tư vấn về dịch vụ tiêm tinh chất giảm quầng thâm mắt như sau: Cân chỉnh 1cc hốc mắt để sau khi tiêm phần trũng sẽ được làm đầy giúp đôi mắt rạng rỡ hơn; Sử dụng kỹ thuật "đi" kim mới nên không đau, không bầm; Sau khi tiêm có thể giữ được 9-12 tháng tùy cơ địa mỗi người và sẽ được bảo hành dáng sau tiêm, bảo hành biến chứng trọn đời. Khách hàng đến địa chỉ số 154 Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội để được chuyên viên tư vấn thì sẽ tiêm luôn tại đây, không cần phải đi nơi khác. Người thực hiện sẽ là bác sĩ của cơ sở.
PV tiếp tục được tư vấn về việc tiêm tinh chất giảm quầng thâm mắt, tiêm filler tạo bọng mắt cười và tiêm botox xóa nhăn vùng mắt.
Cụ thể, theo nhân viên tư vấn, PV cần được tiêm 2cc tinh chất giảm quầng thâm mắt, 1cc filler để tạo bọng mắt cười và 1cc botox để xóa nhăn vùng mắt. Tinh chất giảm quầng thâm mắt có xuất xứ từ Thụy Sĩ với giá 5 triệu đồng/cc. Filler có 4 dòng, giá từ 3-7 triệu đồng/cc.
Nhân viên của cơ sở Huyền Châu Beauty cũng cho hay, trước khi tiêm, khách hàng sẽ được kiểm tra thuốc, nên hoàn toàn yên tâm, chắc chắn sẽ không có biến chứng gì sau tiêm.
Theo quan sát của PV, cơ sở thẩm mỹ Huyền Châu Beauty tại số 154 Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội không có bất cứ một biển hiệu nào thể hiện cơ sở này là phòng khám. Cụ thể, biển hiệu của cơ sở này không có thông tin chi tiết về: Tên đầy đủ của cơ sở; Hình thức tổ chức; Số giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Địa chỉ của cơ sở ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, số điện thoại; Thời gian hoạt động, theo quy định tại Điều 70 Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định về nội dung biển hiệu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, cơ sở Huyền Châu Beauty nêu trên không phải là phòng khám, vì vậy không có chức năng khám bệnh, chữa bệnh. Việc cơ sở hoạt động các dịch vụ tiêm tinh chất, tiêm filler, tiêm botox cho khách hàng là hành vi sai phạm.
Chúng tôi đã liên hệ đến cơ sở thẩm mỹ Huyền Châu Beauty theo số điện thoại 0376778xxx có trên fanpage Huyền Châu Beauty. Nói về việc cơ sở không phải là phòng khám chuyên khoa nhưng lại hoạt động các dịch vụ thẩm mỹ gây chảy máu, người tự nhận là nhân viên trực hotline của cơ sở cho biết: "Bọn em đang làm giấy tờ, đến cuối tháng là đầy đủ".
Cơ sở thẩm mỹ thông thường hoạt động như phòng khám sẽ bị xử lý thế nào?
Thạc sĩ - Luật sư Hoàng Thị Hương Giang (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo quy định tại khoản 3, Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung Điều 22 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định về cấp chứng chỉ với người hành nghề và cấp phép hoạt động đối với cơ sở khám chữa bệnh thì hình thức của các tổ chức hoạt động thẩm mỹ bao gồm khoa phẫu thuật thẩm mỹ của bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.
Khoản 4, Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP có bổ sung Điều 23a Nghị định số 109/2016/NĐ-CP về điều kiện chung để cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định, điều kiện nhân lực Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ phải là bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Ngoài ra đảm bảo các điều kiện khác về cơ sở vật chất, thiết bị y tế và nhân lực.
Còn đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này, gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày. Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thuộc loại này chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm và phải đáp ứng các điều kiện quy định về cơ sở vật chất, có địa điểm cố định, bảo đảm các điều kiện vệ sinh và có đủ thiết bị, dụng cụ, vật tư phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Cũng theo quy định tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP thì các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
"Như vậy, các cơ sở thẩm mỹ muốn thực hiện các dịch vụ kỹ thuật trên thì phải đáp ứng điều kiện và có giấy phép hoạt động của bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc bệnh viện/phòng khám khác nhưng có danh mục kỹ thuật về chuyên khoa thẩm mỹ do Sở Y tế hoặc Bộ Y tế cấp phép. Đối với điều kiện cấp phép phải đảm bảo quy định về quy mô, nhân lực, cơ sở vật chất và thiết bị y tế theo quy định tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP và Nghị định 109/2016/NĐ-CP của Chính phủ", luật sư Hoàng Thị Hương Giang nhấn mạnh.
Về chế tài xử lý, căn cứ theo Khoản 6 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi khoản 9, Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP) đối với việc vi phạm hành vi cấm trong khám chữa bệnh sẽ bao gồm hình thức xử phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền) và có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động.
Cụ thể, phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động khám chữa bệnh chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh. Bên cạnh đó, cơ sở vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 12 đến 24 tháng, theo quy định tại điểm c, khoản 7, Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 5, Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP).
"Như vậy, cơ sở hoạt động không có giấy phép khám, chữa bệnh có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính ở mức phạt tiền cao nhất từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Bên cạnh đó còn có hình phạt bổ sung đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 đến 24 tháng", luật sư Hoàng Thị Hương Giang thông tin.