Phát biểu với báo chí hôm18/2, thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phản ứng giận dữ trước phát ngôn của quyền ngoại trưởng Israel Katz khi ông này được cho là đã nói rằng người Ba Lan đã bắt tay với Phát xít Đức liên quan tới cuộc thảm sát người Do Thái trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, và cho rằng chính họ nuôi dưỡng chủ nghĩa bài Do Thái đó từ khi lọt lòng mẹ. Mô tả phát ngôn trên là phân biệt chủng tộc và không thể chấp nhận được, Thủ tướng Morawiecki yêu cầu phía Israel phải giải thích rõ ràng, đồng thời quyết định hủy chuyến tham dự thượng đỉnh Visegrad tại Jerusalem của Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz.
Trước đó hai ngày, chính Thủ tướng Morawiecki đã hủy chuyến công du tới Jerusalem tham dự thượng đỉnh Visegrad và cử ngoại trưởng Balan thay thế sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có phát ngôn không phù hợp trong thời gian tham dự thượng đỉnh Trung Đông tuần trước. Ông Netanyahu được cho là đã ám chỉ người Ba Lan đồng lõa với Phát xít Đức nhúng tay vào vụ thảm sát người Do Thái trước đây.
Thủ tướng Mateusz Morawiecki hủy thượng đỉnh với Israel
Văn phòng Thủ tướng Netanyahu ngay sau đó đã đính chính nói rằng nhà lãnh đạo Israel nói về những người Ba Lan chứ không phải dân tộc hay đất nước Ba Lan, và phát ngôn của ông đã bị truyền thông trích dẫn sai, gây hiểu nhầm.
Phía Ba Lan đã bác lời giải thích và cho rằng trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, người Ba Lan bị tước đoạt nhiều quyền lợi và chịu nhiều thiệt thòi nhất bên cạnh người Do Thái và người Di Gan. Theo Thủ tướng Morawiecki, người Ba Lan đã phải hy sinh trong chiến tranh để cứu sống hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người Do Thái.
Hội nghị thượng đỉnh nhóm bốn nước Trung Âu (Visegrad) bao gồm Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary và Slovakia diễn ra tại Jerusalem trong hai ngày 18-19/2. Đây là lần đầu tiên Visegrad tổ chức gặp thượng đỉnh bên ngoài nhóm, và Israel muốn nhân dịp này vận động các nước Trung Âu ủng hộ quan điểm của mình trong xung đột với người Palestine.
Căng thẳng giữa Ba Lan và Israel gia tăng sau khi tờ Jerusalem Post đăng tải một bài viết dẫn lời Thủ tướng Netanyahu nói rằng "người Ba Lan đã hợp tác với người Đức" trong thảm họa tàn sát người Do Thái. Thông tin này đã thổi bùng những tranh cãi tại Ba Lan trong bối cảnh quốc gia Trung Âu này từ lâu luôn nỗ lực khẳng định rằng nước này, vốn bị phát xít Đức chiếm đóng trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, không liên quan tới các cuộc tàn sát người Do Thái. Tranh cãi giữa Ba Lan và Israel xuất hiện hồi năm ngoái xung quanh một đạo luật của Ba Lan, trong đó quy định việc cáo buộc nước này có liên quan tới tội ác của phát xít Đức là bất hợp pháp. Sau khi nổ ra các cuộc biểu tình tại Israel và Mỹ, Ba Lan đã sửa đổi luật trên và xóa bỏ điều khoản phạt hay tống giam.Theo thống kê, hơn 6 triệu công dân Ba Lan, trong đó có 3 triệu người Do Thái, đã bị phát xít Đức giết hại trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Trong một diễn biến mới nhất, nhóm Visegrad, gồm 4 nước Trung Âu là Hung-ga-ri, Ba Lan, Cộng hòa Séc và Slovakia hôm nay quyết định hủy Hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra trong tuần này tại Jerusalem. Theo Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis, hội nghị này sẽ được thay thế bằng những cuộc thảo luận song phương giữa từng nước.
Như vậy, quan hệ giữa các nước Trung Âu, rộng hơn là châu Âu với Israel đang đối mặt với nhiều sóng gió. Giới phân tích nhận định bất đồng này sẽ cản trở các nỗ lực đảm bảo hòa bình Trung Đông, đồng thời xóa bỏ những nỗ lực mà Israel đang dày công xây dựng với EU với mong muốn có thêm sự ủng hộ trong vấn đề hòa bình Trung Đông chưa có đột phá.