Hà Nội

Hủy Giải Nobel Văn học 2018: Một hiện tượng bất ngờ và hy hữu

12-10-2018 14:57 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Giải Nobel Văn học lần đầu tiên được trao cho cụm tác phẩm Tứ tuyệt và các bài thơ của một nhà thơ người Pháp tên là Sully Prudhomme vào năm 1901.

Từ đấy đến nay, Giải Văn chương danh giá nhất thế giới đã có tuổi đời 107 năm. Trừ bốn năm từ 1940 - 1943, do cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ II nổ ra trên khắp các nước châu Âu lúc bấy giờ, Hội đồng Giải thưởng không thể nhóm họp và tổ chức trao giải được, đành phải hủy bỏ. Còn năm nay, năm thứ 108 (2018) Giải Nobel Văn học buộc phải hủy bỏ vì một lý do... chẳng đâu vào với đâu, trong khi các giải Nobel khác vẫn diễn ra bình thường.

Phải tên xưng xuất là... một nhiếp ảnh gia ngoại đạo

Rõ ràng một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất ở các mặt báo in và báo mạng trên phạm vi toàn thế giới trong suốt mấy tháng qua có liên quan đến việc hủy bỏ Giải Nobel Văn học năm 2018 luôn gắn liền với nhiếp ảnh gia người Pháp Jean - Claude Arnault, một người không nằm trong danh sách 18 thành viên của Hội đồng Giải thưởng Nobel Văn học của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Chả thế mà chính ông ta tự nhận mình là thành viên thứ 19 của Hội đồng được gọi là Hội The Eighteen này.

Tuy nhiên, nếu xem xét một cách kỹ càng ra như các cụ ta đã nói: không có lửa làm gì có khói, thật chẳng có sai đâu bao giờ. Chả là Jean - Claude Arnault là phu quân của nhà thơ Katarina Frostenson, một người đầy quyền lực trong một thời gian dài ở Hội đồng Giải Nobel Văn học danh giá nhất hành tinh. Hai vợ chồng nữ thi sĩ này đã thành lập riêng cho mình một Câu lạc bộ nghệ thuật tại trung tâm Paris hoa lệ, Thủ đô của nước Pháp, nhưng lại trực thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển. Và tất nhiên nguồn kinh phí hoạt động nhiều năm liền của Câu lạc bộ này đều do Quỹ Nobel tài trợ. Điều ấy càng chứng tỏ vị thế của phu nhân Arnault ở cái Hội đồng này cao biết chừng nào, mặc dù không ít lần các thành viên trong Viện Hàn lâm Thụy Điển đã cáo buộc vợ chồng Frostenson đã lợi dụng tiền của Quỹ Nobel để làm những điều khuất tất khác không có trong hợp đồng giữa hai bên. Lợi dụng vào uy tín của vợ, nhiếp ảnh gia người Pháp này mới được đằng chân, lân đằng đầu, dần dà trở thành mối hiểm họa ngày càng lớn đối với không chỉ riêng Hội đồng Giải Nobel Văn học, mà còn cả với Viện Hàn lâm Thụy Điển, nơi quy tụ đến 6 Hội đồng Giải Nobel hàng năm về các lĩnh vực như: Hòa bình, Vật lý, Hóa học, Sinh học - Y khoa, Kinh tế và Văn học.

Chỉ tính riêng 7 lần chính Arnault từng làm lộ danh tính tác giả và tác phẩm đoạt Giải Nobel Văn học từ năm 2017 trở về trước, khi Hội đồng Chấm giải và Ban Tổ chức chưa cho phép công bố đã là điều khó có thể chấp nhận được ở một nơi mà xưa nay người ta vẫn coi là tôn nghiêm bậc nhất. Dư luận thật khó hiểu vì sao mà nhiếp ảnh gia người Pháp này lại có thể vượt mặt tất cả các thành viên Hội đồng để làm việc ấy. Quyền công bố tác giả và tác phẩm đoạt giải Nobel hàng năm đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển quy định rõ như một điều khoản bắt buộc mà thành viên trong các Hội đồng giải Nobel hàng năm buộc phải tuân thủ, bất di bất dịch và đã được ghi rõ cương lĩnh hoạt động của Viện Hàn lâm Thụy Điển và các Hội đồng Giải Nobel. Vậy mà một người ngoài cuộc như Arnault lại có thể làm việc ấy một cách tự do thoải mái không chỉ một lần, mà đến những bảy lần mà vẫn không hề bị sa thải hay bất kỳ một hình thức kỷ luật nào. Kể cũng lạ!

Nhưng điều khiến Viện Hàn lâm Thụy Điển buộc phải hủy Giải Nobel Văn học 2018 lại không khởi xuất từ những việc làm trên. Vụ bê bối tình dục của Arnault bùng nổ và gây chấn động sau khi có một lá đơn tố cáo của một nhân viên văn phòng thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển gửi đến tòa báo về hành vi quấy rối tình dục của Arnault đối với cô ta mới là nguyên nhân chính yếu. Nhất là, từ khi tờ nhật báo rất có uy tín ở Thụy Điển là Stockholm Dagens Nyheter tiết lộ lời khai của 18 phụ nữ, nói rằng họ bị Arnault tấn công tình dục, trong đó có 2 trường hợp bị cưỡng hiếp.

Vụ bê bối này dẫn đến nhiều hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, mà đỉnh điểm là không còn cách nào khác, Viện Hàn lâm Thụy Điển buộc phải ra thông cáo hủy bỏ Giải Nobel Văn học năm 2018 và hứa sang năm 2019 sẽ trao giải đúp hai năm liền. Nhưng còn những 365 ngày nữa, nhất là khi chúng ta đang ở vào thời đại công nghiệp 4.0 này, mọi thứ diễn ra chóng mặt, ai dám chắc điều gì không có thể xảy ra. Chỉ biết là sau gần 80 năm kể từ ngày Giải Nobel Văn học cùng các Giải Nobel khác bị gián đoạn bởi lý do bất khả kháng là Chiến tranh Thế giới thứ II, đến nay, Giải Nobel Văn học bị hủy một cách bất đắc dĩ chỉ vì tên xưng xuất… là một nhiếp ảnh gia người Pháp đã ngoài 70 tuổi gây nên.

Nobel văn học là giải văn chương danh giá nhất thế giới.

Nobel văn học là giải văn chương danh giá nhất thế giới.

Liệu có phải đây là giọt nước làm tràn ly?

Ngay sau khi Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố hủy Giải Nobel Văn học 2018, đã có không ít người cho rằng vụ bê bối tình dục do nhiếp ảnh gia người Pháp, Arnault gây ra ở chốn mà từ xưa đến nay được coi là tôn nghiêm và linh thiêng nhất đối với giới cầm bút viết văn gần 120 năm nay trên toàn thế giới, chẳng qua chỉ là giọt nước làm tràn ly. Bởi lẽ, sự thật diễn ra ở đây không phải lúc nào cũng toàn màu hồng như những người ngoài cuộc thường hay nghĩ.

Khi vụ bê bối tình dục bị phát giác, thì người ta mới hay rằng chính lão già nhiếp ảnh gia người Pháp Arnault này đã từng quấy rối tình dục với nhiều người (18) trong quãng thời gian từ năm 1996 đến nay, tức là 20 năm có lẻ. Nhưng dưới bàn tay đạo diễn và tài xoay sở của nữ nhà thơ Frostenson, vừa là vợ của Arnault, vừa là một thành viên Hội đồng Chấm giải đầy uy tín và quyền lực ở đây đã che chắn cho chồng mình nên mọi chuyện đều diễn ra êm xuôi.

Không những thế, nữ nhà thơ Frostenson còn biết cách lôi kéo cả hai đời Thư ký của Viện Hàn lâm Thụy Điển là Engdahl và Sara Danius, những người có quyền lực ghê gớm, thay mặt Viện Hàn lâm để điều hành mọi hoạt động của cơ quan này, vào cuộc, nhằm bưng bít và bảo vệ cho những sai lầm của Frostenson và chồng bà ta.

Kết quả là, theo báo chí Thụy Điển tiết lộ thì cả hai người phụ nữ ở trung tâm của vụ bê bối là Sara Danius và Frostenson đều phải tự động rút khỏi Hội đồng Giải Nobel. Ngoài ra còn có ba người nữa đứng về phía họ cũng đã tự rút lui. Cùng với đó, nhà lịch sử văn học Kjell Espmark, nguyên là cố vấn của cựu Thư ký Engdahl cũng buộc phải từ chức.

Không những thế, sự gian lận trong quá trình hoạt động của Câu lạc bộ nghệ thuật Paris do vợ chồng Frostenson và Arnault điều hành và thao túng đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra của nước này. Hiện chưa biết rõ vụ việc này diễn ra như thế nào, nhưng Arnault đang phải đối mặt với mức án tù 2 năm mà tòa án công tố Thụy Điển sẽ tuyên trong nay mai là nhãn tiền với nhiếp ảnh gia người Pháp này. Thậm chí cơ quan có thẩm quyền của Thụy Điển hiện đã phong tỏa nhằm ngăn chặn không cho Arnault về Pháp, mà phải ở lại Thụy Điển để hầu tòa.

Trả lời các cơ quan báo chí của Thụy Điển, Espmark, một thành viên của Viện Hàn lâm Thụy Điển gần đây đã nói trắng phớ ra rằng: Tính chính trực là cốt lõi của Viện Hàn lâm Thụy Điển. Và khi những tiếng nói dẫn đầu trong Viện đặt tình bạn và những suy xét không chính đáng lên trước tính chính trực, thì tôi không thể làm việc ở đây nữa.

Đã có không ít người đến giờ phút này vẫn còn ngây thơ khi nghĩ rằng, vụ bê bối tình dục ở Viện Hàn lâm Thụy Điển và sự gian lận quỹ ở Câu lạc bộ nghệ thuật Paris chỉ là việc riêng của hai vợ chồng Frostenson và Arnault, thì họ tự phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng xét cho cùng, họ đã nhân danh ai và dựa vào ai mới có thể làm được như vậy chứ. Viện Hàn lâm Thụy Điển được nhiều người ví như một cái bình cổ độc và hiếm có bởi thương hiệu toàn cầu của nó đã trên 100 năm nay. Ai hay trong cái bình cổ ấy có cả một cặp vợ chồng nhà chuột cống bự, nên ném được chúng, chắc gì không làm rạn nứt bình.

Biết vậy, nhưng vì công lý, uy tín và danh dự của tổ chức này mà các nhà lãnh đạo của Viện Hàn lâm Thụy Điển đã kiên quyết đưa ra ánh sáng những khuất tất, thói cậy quyền chức, thân quen đã một thời gian dài, từng bước đánh mất dần uy tín và danh dự của một tổ chức văn hóa mang tầm cỡ quốc tế. Dù là muộn, nhưng vẫn còn hơn không làm gì cả. Thậm chí chiếc bình cổ nguy nga và tráng lệ kia, những tưởng chỉ để dùng cho việc nhốt các bậc tinh anh của văn giới, giờ cháy nhà mới lộ ra mặt chuột cống, thì hỡi ôi, còn gì mà lo rạn nứt bình nữa. Ngay cả việc đập cho nó tan tành rồi vứt ra đống rác thải để tìm kiếm cơ hội và phương cách khác kiến tạo nên một cái bình mới, dù có thể không lung linh vi diệu như một thời mà cái bình cũ từng có, nhưng nhất thiết cái bình mới này, không phải là miền đất hứa cho lũ chuột biến thái kia tìm đến và trú ngụ.


Đỗ Ngọc Yên
Ý kiến của bạn