Hà Nội

Huy động tổng lực kết nối tiêu thụ nông sản phía Nam

21-08-2021 18:20 | Doanh nghiệp
google news

SKĐS - Tuy đã có nhiều cải thiện trong khâu tiêu thụ một số mặt hàng nông, thuỷ sản, nhưng nhiều tỉnh, thành phía Nam vẫn ghi nhận một số khó khăn trong lưu thông, phân phối; vẫn phụ thuộc vào cách áp dụng triển khai mỗi địa phương; nên cần có sự thống nhất hướng dẫn từ phía cơ quan quản lý.

Các địa phương tích cực tiêu thụ nông, thuỷ sản

Theo báo cáo ngày 20/8 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lúa hè-thu hiện đã thu hoạch là 820.000ha; sản lượng 4.645 tấn. Tình hình tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng khá hơn do các tỉnh tích cực tháo gỡ để doanh nghiệp, thương lái đẩy mạnh việc thu mua.

Tuy nhiên đối với cây ăn quả, vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều do thiếu nhân công thu hoạch, tiến độ thu mua chậm. Một số thương lái ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm, chi phí vận chuyển tăng. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến giá bán trái cây thấp.

Đến nay, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch COVID-19) đã tập hợp được 1.201 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm gồm: rau củ 332 đầu mối, trái cây 311 đầu mối, thủy hải sản 431 đầu mối, lương thực 73 đầu mối và 53 đầu mối các mặt hàng khác. Cùng với đó, Tổ công tác cũng kết nối tiêu thụ trên 40 đơn hàng nông thủy sản mỗi ngày với sản lượng hàng trăm tấn.

Huy động tổng lực kết nối tiêu thụ nông sản phía Nam - Ảnh 1.

Hiện lượng tiêu thụ lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long diễn ra thuận lợi

Giá các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm tại các tỉnh phía Nam vẫn ghi nhận ở mức thấp. Cụ thể, thịt lợn hơi ở mức từ 50.000-54.000 đồng/kg, giảm khoảng trên 15% so với tháng trước; thịt gà siêu thịt công nghiệp phổ biến thấp dưới 10.000 đồng/kg, thịt gà lông màu nuôi ngắn ngày khoảng từ 25.000-28.000 đồng/kg.

Các địa phương như Cà Mau, Sóc Trăng, Đồng Tháp... đã quan tâm tháo gỡ khó khăn tại nhà máy chế biến thủy sản, hình thành vùng xanh, cho phép công nhân được ở nhà và đưa đón đến nhà máy. Như tại Cà Mau, công suất chế biến đã tăng lên 80% so với khi chưa có dịch.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, trung bình mỗi tháng tỉnh thu hoạch từ 15.000-20.000 tấn tôm. Tiêu thụ tôm hiện tương đối ổn định, nhưng giá giảm từ 10-30% so với trước khi dịch bệnh. Hiện Cà Mau không có hiện tượng ùn ứ sản phẩm nên việc kết nối để việc sản xuất diễn ra bình thường.

Tỉnh Đồng Tháp có tín hiệu tích cực trong tiêu thụ nông sản, một sàn thương mại điện tử dự kiến sẽ thu mua nông sản của nông dân để cung cấp tới người dân . Cùng với đó, Sở Công Thương Hà Nội đang trao đổi với Hợp tác xã đặc sản Đồng Tháp để kết nối tiêu thụ ếch của Đồng Tháp.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho hay, qua đánh giá, rà soát thì 80% sản lượng với khoảng 800.000 tấn cần các tỉnh khác tiêu thụ. Thời gian gần đây, các thương lái, doanh nghiệp đến thu mua nhiều hơn, giá lúa tăng từ 100 - 200 đồng/kg. Sở đang cố gắng kết nối, tạo điều kiện doanh nghiệp đến tỉnh thu mua.

Thống nhất các phương thức kiểm tra giấy tờ xe vận chuyển

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ, tháo gỡ bất cập trong công tác phối hợp lưu thông hàng hóa, thu hoạch nông sản, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp trực tuyến với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và 1 số đơn vị liên quan.

Về việc không thống nhất trong kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia nhấn mạnh, kết quả giấy xét nghiệm test nhanh hay PCR COVID đều có giá trị như nhau và đều có hiệu lực 72 giờ, đã được quy định tại văn bản 5886 ngày 22/7/2021 của Bộ Y tế và văn bản 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.

Vừa qua, có một số địa phương yêu cầu bắt buộc người vận chuyển hàng hóa phải có kết quả PCR, không chấp nhận chỉ có giấy test nhanh COVID-19 khi qua chốt là vượt quá quy định. Ngoài ra, có địa phương chỉ công nhận thời gian giấy xét nghiệm COVID-19 chỉ 24 giờ hay 48 giờ đều không đúng quy định (72 giờ), gây khó khăn trong lưu thông hàng hóa.

Huy động tổng lực kết nối tiêu thụ nông sản phía Nam - Ảnh 2.

Doanh nghiệp nhiều tỉnh thành phía Nam nỗ lực sản xuất, nhưng vẫn còn một số bất cập khâu vận chuyển

Với các xe chở hàng hóa, nếu có mã QR quét bằng điện thoại thông minh, có đầy đủ thông tin về khai báo y tế thì các trạm kiểm soát phải cho lưu thông ngay. Chỉ dừng kiểm tra những xe chưa có thông tin khai báo đầy đủ. Các hàng hóa không cấm đều được phép vận chuyển. Các tỉnh, thành phố nên có 1 văn bản thống nhất ban hành xuống cấp xã, phường về vấn đề này.

Đối với vận chuyển đường thủy, các tỉnh, thành phố cần bố trí các điểm test nhanh tại các cảng hoặc các chốt, công bố số điện thoại và thông báo cho các tài công biết. Với "xã đỏ", "ấp đỏ" do có người nhiễm COVID-19, đề nghị địa phương tổ chức thu hoạch nông sản, bố trí điểm tập kết nông sản để các phương tiện vận tải đến bốc xếp và vận chuyển nhanh gọn, bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Đại diện Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho biết, hiện các tỉnh, thành phố chỉ dừng phương tiện kiểm tra trên các chốt vào địa phương mình. Cần xem xét cho các xe chở nông sản từ Tây Nam Bộ ra các tỉnh biên giới để xuất khẩu, trên đường lái xe không tiếp xúc ai vì nhiều tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy nên có sự nới thời hạn hiệu lực giấy xét nghiệm nhanh cho lái xe đường dài, áp dụng 1 cung đường 2 điểm đến, có các điểm xét nghiệm nhanh trên các tuyến quốc lộ huyết mạch trên cả nước.

Ngoài ra, để hỗ trợ nông dân trong lưu thông tiêu thụ nông sản, Bộ Công Thương vừa có văn bản hỏa tốc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, mở "luồng xanh" cho vận tải đường thủy. Theo Bộ Công Thương, với đặc thù địa hình kênh rạch chằng chịt, đa phần các nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo cập bờ sông/bờ kênh, thóc, gạo sản xuất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long được vận chuyển 95% bằng đường thuỷ.

Vì vậy, việc khơi thông dòng chảy phương tiện chuyên chở sẽ góp phần đáng kể giúp các thương nhân xuất khẩu gạo duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến cảng xuất khẩu.

Thường Tín anh hùng


Minh Thu
Ý kiến của bạn