Hà Nội

Huy động tổng lực dập dịch sốt xuất huyết ở Thủ đô

16-08-2017 15:47 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngay sau chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại cuộc họp khẩn cuối tuần qua,

đến ngày 15/8, có 19 tỉnh, thành phố lân cận cho Hà Nội mượn máy phun hóa chất công suất lớn để sử dụng vào chiến dịch diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết (SXH). Như vậy, Hà Nội sẽ bảo đảm có 21 máy phun “vòi rồng” tiến hành phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng từ nay đến hết tháng 8/2017 để “hạ hỏa” dịch SXH. Tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, các y bác sĩ cũng đang “căng mình” để khám, tư vấn và điều trị cho bệnh nhân SXH tốt nhất...

Hà Nội phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 15/8, ngành y tế Hà Nội tiếp tục tổ chức phun thuốc diệt muỗi tại 16 quận/huyện (gồm: Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Mê Linh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Xuân, Thường Tín và Ứng Hòa). Dự kiến, hơn 3.700 hộ dân, cơ quan, khu vực... của 16 quận/huyện nằm trong vùng dịch và vùng nguy cơ sẽ được tiến hành phun thuốc diệt muỗi. Trước đó, từ đêm 13/8 đến sáng sớm 14/8, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm Y tế quận Đống Đa đã huy động nhân lực cùng 40 máy phun đeo vai, một máy phun mù nóng, một máy phun công suất lớn đặt trên ôtô tỏa ra các đường, ngõ, hộ dân, cơ quan, trường học... để phun thuốc diệt muỗi tại quận Đống Đa - nơi có số người mắc SXH tăng cao.Chuẩn bị hóa chất cho các máy phun thuốc muỗi. Ảnh: Bích Ngọc

Chuẩn bị hóa chất cho các máy phun thuốc muỗi. Ảnh: Bích Ngọc

Theo TS. Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, đợt phun hóa chất diệt muỗi này ngành y tế Hà Nội sẽ chú trọng ở các khu vực trọng điểm, nguy cơ cao như bệnh viện, chợ, trường học, công trường xây dựng... Trước khi phun hóa chất, ngành y tế sẽ thông báo đến người dân để có sự chuẩn bị. Các máy phun áp lực lớn sẽ phun ở những khu vực ôtô có thể đi vào và phun vào ban đêm. Ban ngày sẽ phun tại các hộ dân bằng máy phun áp lực nhỏ, máy đeo vai vào từng ngóc ngách trên địa bàn.

Liên quan đến thông tin dựa trên các tiêu chuẩn để công bố dịch bệnh, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội đủ điều kiện công bố dịch SXH đang lưu hành. Tuy nhiên, hiện chỉ có Hà Nam công bố dịch. Giải thích lý do hiện tại Hà Nội chưa công bố dịch, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, mục đích của công bố dịch là công khai tình hình để người dân được biết và huy động nguồn lực làm tốt công tác phòng chống dịch. Đến nay Hà Nội đã công khai là thành phố đang có dịch SXH, thông báo số lượng mắc, số ca tử vong trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thành phố cũng đã huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng chống SXH. Kinh phí thành phố cấp cho công tác phòng chống dịch đã gần 20 tỷ đồng.

Ông Hạnh cũng nói rõ: Chúng tôi theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch, cân nhắc tình hình kinh tế xã hội để đề xuất công bố dịch ở thời điểm thích hợp.

Nhân viên y tế căng mình phục vụ bệnh nhân

Trung bình mỗi ngày BV Bệnh Nhiệt đới TW có khoảng 800-1.000 bệnh nhân đến khám, tại BV Đống Đa, con số này khoảng 250-400 bệnh nhân. Vì quá tải bệnh nhân, các BV phải huy động toàn nhân lực, triệu tập hết bác sĩ đi học quay trở lại, làm việc 24/24 giờ. Phòng của bác sĩ cũng được trưng dụng thành phòng điều trị bệnh nhân SXH.

BS. Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc BV Đống Đa cho biết, để tránh quá tải cho Khoa Truyền nhiễm, BV đã huy động gần 30 bác sĩ ở các khoa, phòng khác đến hỗ trợ, dù vậy nhân viên y tế vẫn phải làm việc tăng 200-300% so với ngày thường, 7-8h tối chưa được về. Nhiều người vừa trực đêm sáng hôm sau vẫn làm nối ca luôn. Ngay tại Khoa Cấp cứu, 2 bác sĩ và 3 điều dưỡng đang phải khám 150 bệnh nhân/ngày, trong khi ngày thường chỉ 20-40 người.

Bữa trưa thường bắt đầu lúc 14h và bữa tối thường sau 22-23h30, có hôm không mệt không nuốt nổi”, BS. Hiền chia sẻ.

Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh - BV Bệnh Nhiệt đới TW Nguyễn Thúy Mai chia sẻ, chị và các đồng nghiệp đang làm việc hết sức từ 6h sáng đến 6h tối, các ca kíp thay nhau trực tăng cường 24/24 giờ. Đông bệnh nhân, áp lực công việc nhiều, song áp lực tinh thần người bệnh gây ra khi phải lo lắng chờ đợi khám quá lâu khiến các y, bác sĩ luôn trong tình trạng căng thẳng. Nhiều bệnh nhân cáu gắt, quát mắng cả y, bác sĩ...

Bộ Y tế chi viện trang thiết bị, hóa chất để chống dịch SXH

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tình hình dịch SXH khởi phát tăng thời gian qua là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, tại khu vực miền Nam cả nhiệt độ và lượng mưa đều tăng cao so với các năm trước đây dẫn đến véc-tơ truyền bệnh phát triển mạnh; tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ loăng quăng của muỗi truyền bệnh; sự chủ động, phối hợp của người dân và ban, ngành đoàn thể trong công tác phòng chống SXH tại một số địa phương chưa cao; việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt loăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để; nhiều địa phương gặp khó khăn về kinh phí, một số nơi bệnh gia tăng do nhiều năm không có dịch, do đó miễn dịch cộng đồng giảm... Ở Hà Nội, việc dịch SXH lan nhanh, xảy ra trên diện rộng là vì điều kiện vệ sinh môi trường, tốc độ đô thị hóa cao. Riêng tại TP. Hà Nội, kết quả giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng cho thấy, mật độ muỗi truyền bệnh SXH tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố năm nay cao gấp 3 - 3,5 lần so với mức bình thường của các năm trước. Thời tiết mưa nhiều hiện nay là điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh sôi nảy nở, tốc độ lan truyền dịch rất nhanh.

Trước tình hình này, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, cùng với huy động trang thiết bị từ các địa phương, Bộ Y tế đã cấp cho Hà Nội 30 máy phun ULV đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200 để phục vụ công tác phòng chống dịch SXH.

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay thành phố đã triển khai quyết liệt nhưng các giải pháp tại cộng đồng vẫn còn chưa triệt để bởi thiếu sự tham gia của người dân. Đặc biệt ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, phó mặc cho ngành y tế, các hộ gia đình phối hợp hạn chế trong phun hóa chất xử lý ổ dịch. Do đó, cùng với nỗ lực của ngành y tế và các cấp, các ngành, ngành y tế khuyến cáo, việc phun thuốc diệt muỗi sẽ không thể dập dịch hoàn toàn nếu vẫn tồn tại ổ loăng quăng trong các hộ dân. Các ổ bọ gậy này sẽ tiếp tục phát triển thành muỗi truyền bệnh và gây dịch trong cộng đồng. Do vậy, điều quan trọng nhất trong phòng chống SXH là người dân phải chủ động diệt loăng quăng bằng cách lật úp hoặc che đậy kín các dụng cụ chứa nước trong gia đình...


Thái Bình
Ý kiến của bạn