Sáng 6-5, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) đã tổ chức hội nghị với các đối tác và các nhà tài trợ nhằm huy động nguồn lực cho công tác phòng chống dịch cúm A(H7N9) tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám Đồng chủ trì tại hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại diện WHO, FAO, các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị huy động nguồn lực cho công tác phòng chống dịch cúm A(H7N9) tại VN. |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Việt Nam đang ở mức độ có nguy cơ xâm nhập H7N9 rất lớn do những đặc điểm về địa lý tiếp giáp với Trung Quốc và tình trạng buôn lậu gia cầm rất khó kiểm soát. Nhận định đây là một thách thức lớn với Việt Nam song Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, với sự hợp tác và các cam kết hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ không đơn độc trong cuộc chiến phòng chống dịch cúm A(H7N9) nói riêng và phòng chống các dịch bệnh mới nổi và nguy hiểm nói chung.
Hiện chúng ta đang ở giai đoạn 1 của dịch, chưa phát hiện ca nhiễm cúm A(H7N9) tại Việt Nam cả ở người và gia cầm. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống giám sát, dự phòng và sẵn sàng tiếp nhận ca bệnh đầu tiên đã được kích hoạt. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhìn nhận, đáp ứng của chúng ta trong thời điểm này là kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế cũng như những khuyến cáo của WHO. Đặc biệt, trong công tác chuyên môn, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật giám sát, phòng chống, lấy mẫu bảo quản, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị cúm A(H7N9)…
Về phía ngành nông nghiệp, đại diện Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngay khi có thông tin dịch bệnh cúm A(H7N9) bùng phát tại Trung Quốc, Bộ NN&PTNT đã tăng cường kiểm soát hoạt động mua bán gia cầm tại các khu vực biên giới. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm hơn 500 mẫu bệnh phẩm trên gia cầm được lấy tại các chợ gia cầm sống và gà đẻ thải loại cho thấy, tất cả những mẫu bệnh phẩm này đều âm tính với cúm A(H7N9). Bộ NN&PTNT cũng phối hợp với FAO vừa triển khai một chương trình giám sát tại các tỉnh miền Bắc nhằm theo dõi virut cúm A(H7N9) trên gia cầm.
Tại hội nghị, Bộ Y tế cùng Bộ NN&PTNT kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ và huy động nguồn lực nhằm bảo đảm phát hiện sớm và phòng chống virut cúm A(H7N9), hạn chế sự lây lan và giảm thiểu những ảnh hưởng của bệnh dịch đối với cả con người lẫn gia cầm tại Việt Nam. Hội nghị đã nhận được sự chia sẻ và cam kết hỗ trợ cả về kỹ thuật và tài chính của các tổ chức quốc tế và quốc gia khác tùy theo từng giai đoạn và diễn biến tình hình dịch bệnh.
Nhu cầu huy động nguồn lực tài chính từ Chính phủ và tổ chức quốc tế cho ngành y tế gồm 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 (chưa có trường hợp bệnh trên người), kinh phí dự kiến huy động từ các nguồn lực quốc tế là gần 9,7 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là trên 7,3 triệu USD. Tổng kinh phí cho các giai đoạn 2,3,4 dự kiến là khoảng 68,7 triệu USD từ nguồn vốn huy động quốc tế và gần 29 triệu USD từ Chính phủ Việt Nam. Ngành nông nghiệp cũng dự trù tổng kinh phí cho công tác phòng và ứng phó với H7N9 trong ngắn hạn là 5,570 triệu USD. |
Hạ Hiền