Do mưa lớn và kéo dài từ đầu tháng 7 đến nay đã gây không ít thiệt hại cho tỉnh Hà Giang. Theo thống kê, tính đến ngày 10/7, nhiều huyện, thành phố chịu thiệt hại do mưa lũ. Nước lũ cuốn trôi 2 người, làm bị thương 4 người; hàng trăm nhà dân bị ảnh hưởng, làm hàng trăm héc-ta hoa màu thiệt hại. Nhiều cầu, cống, kênh mương bị cuốn trôi và sập; nhiều công trình điện, trường học bị ảnh hưởng do đất đá sạt lở.
![]() |
Theo Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, ước tổng thiệt hại do mưa lũ trong toàn tỉnh tính đến ngày 10/7 lên đến hàng chục tỷ đồng. Dự báo diễn biến thời tiết vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thiệt hại, do đó các địa phương cần tiếp tục nêu cao cảnh giác, đề phòng, sẵn sàng đối phó, khắc phục hậu quả thiên tai có thể xảy ra. Tại huyện Vị Xuyên, trận lũ bất ngờ quét qua trong vòng 60 phút tại 3 xã Quảng Ngần, Việt Lâm, Thượng Sơn, Trung Thành, thị trấn Vị Xuyên lúc 1h30 sáng 9/7 đã để lại hậu quả hết sức nặng nề. Thống kê sơ bộ của UBND huyện Vị Xuyên cho thấy, lũ quét đã làm hỏng gần 200 ngôi nhà, hơn 100ha lúa mới cấy, cuốn trôi 5 chiếc cầu, hàng chục mét đường, công trình nước sạch, công trình thủy lợi, trường học... BS. Nguyễn Duy Hoa, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vị Xuyên cho biết, ngay sau khi xảy ra mưa lũ, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cùng các ban, ngành trong huyện chủ động huy động lực lượng tại chỗ để sơ cứu những người bị thương, di dời những hộ gia đình có nguy cơ sạt lở cao ra khu vực an toàn, hướng dẫn nhân dân quản lý, thu gom chất thải, đặc biệt là các loại chất thải như phân, xác gia súc, gia cầm và phun khử trùng để kiểm soát không cho mầm bệnh lây lan ra môi trường xung quanh.
Trong khi mưa lũ gây thiệt hại cho tỉnh miền núi Hà Giang thì tại Phú Yên, chiều 9/7, tại khu vực buôn Khăm, xã Krông Pa, Sơn Hòa, Phú Yên đã xảy ra một vụ sét đánh kinh hoàng làm 9 người bị thương. Trong đó, chị Nguyễn Thị Nhung (32 tuổi) bị chảy máu tai, quần áo cháy sém, bất tỉnh tại chỗ. Thông tin từ UBND huyện Sơn Hòa (Phú Yên) cho biết thêm: Cả 9 người bị thương do sét đánh đều trú tại thôn Định Thọ, xã Hòa Định, huyện Phú Hòa (Phú Yên). Thời điểm đó, mưa lớn kèm lốc xoáy, 18 người đang làm cỏ sắn ngoài rẫy của ông Nguyễn Văn Thu, đã kéo nhau chạy vào rừng bạch đàn cạnh đó trú mưa và bị sét đánh. Chị Nhung được chuyển về BV huyện Sơn Hòa cấp cứu, rồi được chuyển tiếp đến BVĐK Phú Yên. Người nhà cho biết, hiện chị Nhung vẫn còn hôn mê, thở đứt quãng do chấn thương quá nặng, 8 người bị thương còn lại sau khi nằm nghỉ ngơi ở nhà ông Thu qua cơn chấn động, đã về nhà, hiện đang chữa trị.
Nước ta nằm ở một trong ba khu vực tập trung nhiều giông, sét của thế giới, nên trung bình hàng năm, tỉnh ít thì có vài chục ngày, tỉnh nhiều thì có đến 100 ngày có giông và trung bình khoảng 2.500 giờ/năm. Mùa giông ở nước ta bắt đầu sớm, kết thúc muộn. Giông sét hoạt động mạnh từ tháng 3 - 10, tập trung chủ yếu từ tháng 5 - 9. Các cơn giông đầu mùa hay sau những ngày nắng nóng thường rất nguy hiểm. Vì vậy, trong mùa mưa bão như hiện nay, cần phổ biến kỹ năng phòng chống sét cho người dân, tránh những thiệt hại không đáng có về người.
Quang - Thu