(SKDS) - Nâng cao kiến thức về ATVSTP cho cộng đồng, trong đó có giới trẻ là vấn đề luôn được ngành y tế và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện thông qua nhiều hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, để công tác này thực sự có hiệu quả, cần phải có những hoạt động truyền thông trực tiếp và thiết thực. Chính vì thế, ngày 15/12 tới đây, lần đầu tiên Chương trình sinh viên tham gia công tác ATVSTP sẽ được ngành y tế phối hợp với ngành giáo dục, TW Đoàn TNCSHCM phát động tại Trường ĐH Y Hà Nội…
Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATVSTP - Bộ Y tế, mỗi ngày có hàng ngàn các bếp ăn tập thể nói chung, bếp ăn của các trường học nói riêng cung cấp hàng triệu suất ăn công nghiệp. Tuy nhiên, chất lượng của các bữa ăn này ra sao? Có đảm bảo ATVSTP hay không?, đã và đang là vấn đề đặt ra trong công tác quản lý ATVSTP vì trong thời gian qua, tình hình ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể vẫn diễn ra khá phổ biến, thậm chí có nhiều vụ ngộ độc với số lượng lớn.
Nguyên nhân của tình trạng này là do giá trị của các suất ăn thường rẻ. Để chế biến suất ăn, người kinh doanh thường mua những thực phẩm rẻ, chất lượng không đảm bảo… nhằm mục đích kiếm lời. Bên cạnh đó, các điều kiện về ATVSTP như nguồn nước rửa thực phẩm, dụng cụ chế biến, bảo quản thực phẩm không đảm bảo, rồi người chế biến thực phẩm thiếu kiến thức về ATVSTP… Chính vì vậy đã khiến cho một số bệnh truyền nhiễm qua đường thực phẩm tại những bếp ăn tập thể đông người có diễn biến phức tạp.
Tích cực tuyên truyền công tác bảo đảm ATVSTP tại cộng đồng. Ảnh: ST |
Để từng bước đẩy lùi và hạn chế tình trạng này, nhiều hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao kiến thức về ATVSTP cho các cơ sở chế biến, kinh doanh suất ăn tập thể đã được triển khai với các hình thức khác nhau. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Thanh Phong, để người sử dụng thực phẩm nâng cao kỹ năng trong lựa chọn thực phẩm cũng như trong việc giám sát chất lượng thực phẩm, đồng thời tham gia vào việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATVSTP cho cộng đồng, thì việc cơ quan chuyên môn chủ động cung cấp kiến thức xung quanh lĩnh vực đảm bảo ATVSTP cho họ là rất cần thiết.
"Các hoạt động đảm bảo ATVSTP là hoạt động mang tính chất liên ngành luôn cần sự tham gia của các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, của nhiều tầng lớp nhân dân, vì thế việc huy động các bạn sinh viên tham gia vào công tác ATVSTP thông qua chương trình "Sinh viên tham gia công tác ATVSTP" không chỉ là hoạt động hưởng ứng Phong trào Vệ sinh yêu nước và nâng cao sức khỏe nhân dân mà còn nhằm phát huy được những lợi thế của tuổi trẻ cho công tác ATVSTP"- TS Phong nhấn mạnh.
Theo Cục ATVSTP, Bộ Y tế, khởi đầu của Chương trình sinh viên tham gia công tác ATVSTP sẽ được ngành y tế và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức tại Trường ĐH Y Hà Nội với sự tham gia của sinh viên đến từ các trường ĐH trong ngành y như ĐH Y Hà Nội, ĐH Dược Hà Nội, ĐH Y tế công cộng, ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Bách Khoa. Chương trình được áp dụng triển khai tại hai trung tâm đô thị lớn tập trung nhiều trường ĐH- CĐ là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Sau đó, sẽ mở rộng mô hình ra các trường ĐH – CĐ khác trong cả nước nhằm nhân lên phong trào sinh viên chủ động tham gia đảm bảo ATVSTP. Ngoài việc cung cấp các kiến thức chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đảm bảo ATVSTP cho sinh viên để họ nắm vững kiến thức về vấn đề này, tự "bảo vệ" mình trong việc giám sát, lựa chọn thực phẩm khi sử dụng, Chương trình sinh viên tham gia công tác ATVSTP còn hướng đến việc qua đó, các bạn sinh viên sẽ là lực lượng tuyên truyền viên tích cực cho hoạt động truyền thông về ATVSTP ở cộng đồng.