Hà Nội

Hữu Lũng kế thừa, phát huy tinh hoa nền y học cổ truyền

19-09-2023 12:37 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Với đặc thù là địa bàn có trên 10 dân tộc cùng sinh sống (Tày, Nùng, Kinh, Dao…), huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn có sự đa dạng về bài thuốc của các dân tộc. Các hội viên Hội Đông y huyện luôn cố gắng phát huy và gìn giữ các bài thuốc y học cổ truyền mà ông cha để lại.

Những thách thức trong bảo tồn tài nguyên dược liệu ở Việt NamNhững thách thức trong bảo tồn tài nguyên dược liệu ở Việt Nam

SKĐS - Dù có hàng trăm nghìn loài dược liệu quý có giá trị làm thuốc song tài nguyên dược liệu ở Việt Nam dần mai một do chưa được quan tâm đúng cách về công tác bảo tồn.

Toàn huyện Hữu Lũng hiện có 24 xã, thị trấn thì 100% xã, thị trấn đều có tổ chức Hội Đông y (HĐY) với tổng số 335 hội viên. Đây cũng là địa bàn có nhiều cây thuốc nam có giá trị như: cây lá khôi (cây thuốc chủ lực chữa dạ dày), cây thổ (chữa sưng, đau khớp), gió đắng (chữa sốt rét, đau bụng), hoàng đằng (kháng sinh, dạ dày), hoàng tiểu căn (chữa đậu lào, thương hàn, rối loạn chức năng gan)…

Hữu Lũng – kế thừa, phát huy tinh hoa nền y học cổ truyền - Ảnh 2.

Bà con đi thực địa nhận biết cây thuốc và mang về trồng tại vườn nhà. Ảnh: Thanh Huyền

Đẩy mạnh khai thác, sử dụng chế biến dược liệu và phát triển vườn thuốc nam

Chủ tịch HĐY huyện Hữu Lũng cho biết: Những năm qua, hội luôn đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp phát triển nền đông y Việt Nam với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Các cấp hội cũng quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hội viên bằng cách cử cán bộ, hội viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm… Công tác nuôi trồng, khai thác, sử dụng, chế biến dược liệu trong lĩnh vực y học cổ truyền (YHCT) phát triển vườn thuốc nam cũng được chú trọng…

Theo đó, bên cạnh việc củng cố các tổ chức hội, HĐY huyện còn phối hợp tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên về cách sử dụng, bảo tồn, nuôi trồng các loại cây thuốc. Từ năm 2015 đến nay, hội phối hợp cùng HĐY tỉnh, Bệnh viện YHCT tỉnh… tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 800 lượt người tham gia. Hiện tại, Hội có 30 bác sĩ đa khoa; 26 y sĩ YHCT, y sĩ đa khoa và hơn 250 lương y gia truyền.

Cùng với công tác nâng cao chất lượng hội viên, các cấp HĐY còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên không khai thác cạn kiệt nguồn thuốc trong rừng tự nhiên và chủ động mang cây thuốc về trồng tại vườn nhà.

Đến nay, toàn huyện có 96 vườn thuốc nam với tổng diện tích trên 35.000 m2 (tăng 36 vườn thuốc so với năm 2019), là địa bàn có số vườn thuốc nam cao nhất trên toàn tỉnh. Trong đó, có 76 vườn thuốc nam của hội viên với diện tích trên 28.000 m2 và 20 vườn thuốc nam của các trạm y tế xã, thị trấn phối hợp cùng HĐY cơ sở xây dựng.

Chú trọng sưu tầm những bài thuốc hay, cây thuốc quý có giá trị cao trong chữa bệnh

Điểm nhấn trong việc kế thừa và phát huy tinh hoa YHCT của các cấp HĐY trên toàn huyện chính là việc tích cực sưu tầm những bài thuốc hay, cây thuốc quý có giá trị cao trong chữa bệnh. Đến nay, riêng HĐY huyện đã khai thác, kế thừa hơn 100 bài thuốc dân gian, gia truyền trong điều trị các bệnh như: thoái hóa cột sống, đau nhức xương khớp, viêm gan, viêm tai giữa, viêm xoang… Đặc biệt, HĐY huyện đã phổ biến nhân rộng cuốn sách "265 cây thuốc nam bản địa và 35 bài thuốc dân gian các dân tộc huyện Hữu Lũng" đến các cơ sở hội.

Bên cạnh đó, các cấp hội cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo chia sẻ kiến thức liên quan đến thuốc nam cho các hội viên và duy trì tốt 13 phòng chẩn trị, cơ sở chữa bệnh tại gia với khoảng 80 giường điều trị trên địa bàn (tăng 2 phòng chẩn trị, cơ sở chữa bệnh và gần 50 giường bệnh so với năm 2008).

Ông Trần Văn Xuân, Chủ tịch HĐY xã Tân Thành cho biết: Hằng năm, các hội viên thường xuyên tổ chức các hoạt động khám, chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng chính sách, người neo đơn có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn… Đồng thời, hội phối hợp tổ chức các hội thảo chia sẻ kiến thức thuốc nam giữa các hội viên trong và ngoài địa bàn nhằm phát huy hiệu quả của những bài thuốc quý trong YHCT vào việc bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Hữu Lũng – kế thừa, phát huy tinh hoa nền y học cổ truyền - Ảnh 4.

Chia sẻ kiến thức nhận biết đúng cây thuốc sẽ phát huy hiệu quả công dụng của bài thuốc. Ảnh minh họa

Với tinh thần "lương y như từ mẫu", các cán bộ, hội viên đông y ở Hữu Lũng luôn gần gũi, giúp đỡ người bệnh và sử dụng dược liệu sạch, chất lượng cao, an toàn, không để xảy ra tai biến trong điều trị. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm, HĐY từ huyện đến cơ sở ở Hữu Lũng khám, chữa bệnh được hơn 30.000 lượt bệnh nhân với trên 55.000 thang thuốc. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện đã khám gần 8.000 lượt bệnh nhân (là địa bàn có số lượt bệnh nhân được khám cao nhất trong toàn tỉnh).

Gương điển hình là Lương y Chu Văn Đông - ông sử dụng các bài thuốc gia truyền điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh. Vườn thuốc do ông và gia đình trồng trên một khu đồi rộng cách nhà vài trăm mét, có rất nhiều loại cây thuốc quý, vườn cây thuốc được chăm sóc tươi tốt để thu hái sử dụng cho bệnh nhân. Ngoài việc sử dụng các bài thuốc gia truyền ông còn kết hợp thêm các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc như châm cứu, bấm huyệt… để nâng cao hơn nữa hiệu quả chữa bệnh.

Ông là người rất hăng say học tập thêm kiến thức về YHCT, ông đã hoàn thành khóa học Y sĩ YHCT. Ông tham gia trong BCH của huyện hội Hữu Lũng, thường xuyên ủng hộ đóng góp nhiều cho quỹ hoạt động của hội và ủng hộ cho các phong trào hoạt động của địa phương. Lương y Chu Văn Đông là người tâm huyết nghề Đông y, chữa bệnh bằng cái tâm và có nhiều sự đóng góp cho phong trào hoạt động của Hội Đông y.

Với những nỗ lực trên, những năm qua, nhiều tổ chức HĐY ở huyện Hữu Lũng đã được các cấp, ngành liên quan biểu dương, khen thưởng; HĐY huyện luôn được HĐY tỉnh đánh giá là một trong những đơn vị điển hình trong thực hiện tốt việc gìn giữ và phát huy tinh hoa y học cổ truyền vào chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tháng 4/2023, HĐY huyện vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng và phát triển nền Đông y Việt Nam và HĐY Việt Nam trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2022.

Xem thêm video được quan tâm:

Những Bệnh Hậu Sản Phụ Nữ Sau Sinh Nào Cũng Cần Biết | SKĐS


LƯƠNG THẢO
Ý kiến của bạn