Hai Phiếm gật gù:
- Bấy nay, bất cứ ai đến khi về hưu tức là đã hoàn thành nhiệm vụ để về nhà nghỉ ngơi vui thú tuổi già nên hình như mọi chuyện trước đó nếu có gì sai sót đều được thể tất!
- Thì dù là ai, chức vụ gì khi về hưu tức là đã làm một công dân bình thường. Cho nên dân gian có câu “hạ cánh an toàn” để chỉ ước mong được về hưu của những người “chưa bị lộ”!
- Vì quan niệm như thế nên có một bộ phận cán bộ sắp nghỉ hưu đã tranh thủ làm bừa mà dân gian gọi là tranh thủ làm “chuyến tàu vét” chăng!
- Hà hà...! Nhưng gần đây, nhiều cán bộ dù đã nghỉ hưu vẫn bị cơ quan chức năng triệu tập, điều tra để làm rõ trách nhiệm về những sai phạm khi còn đương chức.
- Thì dư luận, báo chí đã lên tiếng về khối tài sản “khủng” của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền là một ví dụ. Với cương vị quan trọng có được khi ông Truyền còn đương nhiệm, người ta có quyền nghi ngờ khối tài sản ấy xuất phát từ những “bổng lộc” bất minh. Sự nghi ngờ đó dường như còn có thêm cơ sở vững chắc hơn khi hàng loạt thông tin về việc ông bổ nhiệm ồ ạt gần 60 cán bộ vào các vị trí cấp cao trong bộ máy thanh tra nhà nước trước khi nghỉ hưu.
- Cho nên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong dịp tiếp xúc với cử tri TP. Hà Nội vừa qua khi nhắc đến chuyện này đã khẳng định “Dù có về hưu cũng vẫn phải làm. Vẫn phải kiểm điểm ở cơ quan kiểm tra của Đảng. Quan trọng là chúng ta phải xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”...
- Có thế chứ! Khối “cán bộ trong sạch” khi về hưu bỗng như trúng 100 lần xổ số độc đắc, nào tậu nhà, đất, xây biệt thự khủng, nào mở công ty, doanh nghiệp tư nhân với vốn điều lệ lên đến vài chục tỉ đồng, thậm chí là hàng trăm tỉ đồng rồi để cho vợ, chồng, con cháu hoặc người thân đứng tên...
Hai Phiếm phấn khởi mở chai nước trắng nút lá chuối để dưới gầm bàn:
- Nào! Mừng cho chuyện hưu không phải là hết!
Cả Nghĩ