Thông tin từ BV Quân y 175, sau khi thăm khám lâm sàng, chụp X-quang ngực thẳng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát bên phải mức độ nặng theo dõi do vỡ kén khí phổi phải.
Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật cấp cứu dẫn lưu màng phổi phải tối thiểu. Sau dẫn lưu sinh hiệu ổn định, theo dõi không xuất hiện tràn khí thêm. Sau 3 ngày tiến hành kẹp ống dẫn lưu phát hiện tràn khí trở lại.
Các bác sĩ Khoa Ngoại chung nhận định, đây là trường hợp tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát mức độ nặng, điều trị bảo tồn không kết quả. Từ đó bác sĩ quyết định phẫu thuật nội soi lồng ngực giải quyết triệt để nguyên nhân. Phẫu thuật quan sát thấy có tổn thương kén khí vùng đỉnh phổi phải, nhu mô phổi còn lại bình thường, tiến hành cắt kén khí, khâu tổn thương, đặt dẫn lưu màng phổi phải.
Theo dõi sau 3 ngày tiến hành kẹp ống dẫn lưu, thấy phổi nở tốt, không có tràn khí tái phát, rút ống dẫn lưu. Theo dõi bệnh nhân sau rút ống ổn định, cho ra viện.
Tràn khí màng phổi tự phát nói chung và tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát nói riêng là một cấp cứu ngoại khoa, cần được chẩn đoán kịp thời và xử trí đúng, nếu không sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân.
Nguyên nhân của tràn khí màng phổi tự phát nguyên phát thường do vỡ kén khí ở phổi, khi các bóng khí vỡ vào khoang màng phổi, gây nên tình trạng tràn khí màng phổi ở các mức độ khác nhau. Trong khi đó, tràn khí màng phổi tự phát thứ phát thường liên quan đến tiền sử bệnh lý phổi như: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; hen phế quản; viêm phổi; áp xe phổi; lao; ung thư phổi, bệnh phổi kẽ; bệnh lý mô liên kết… Tràn khí màng phổi tự phát thường xảy ra ở người lớn và thường gặp ở nam giới. Bệnh thường gặp ở những người có tiền sử hút thuốc và thân hình cao, gầy.
Tràn khí màng phổi tự phát thường xảy ra nhất khi nghỉ ngơi mà không có tiền sử gắng sức (80% số trường hợp). Bệnh nhân thường đột ngột đau ngực một bên dữ dội, kèm khó thở và tăng nhịp thở, đặc biệt là những bệnh nhân bị tràn khí màng phổi tự phát thứ phát.
Theo các bác sĩ, tràn khí màng phổi tự phát, tỷ lệ tái phát là 14-30% sau 3 năm, phần lớn gặp ở những người hút thuốc, bệnh nhân mắc COPD và AIDS. Tràn khí màng phổi áp lực là một biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.