Dù có hay không có đầu lọc thì khi hút thuốc, người hút vẫn hít một lượng lớn khói thuốc vào phổi, mà các chất độc hại thì có cả hàng ngàn loại trong khói thuốc. Từ trước tới nay, nhiều người vẫn nghĩ đầu lọc có tác dụng lọc bớt chất độc hại của thuốc lá vào cơ thể. Nhưng cách hiểu đó khá đơn giản và mơ hồ. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ thì đầu lọc thuốc lá có từ năm 1950 nhưng bệnh ung thư phổi vẫn gia tăng liên tục cho đến ngày nay, vì vậy phải đặt vấn đề là đầu lọc thuốc lá có tác dụng ngừa bệnh ung thư hay là không. Theo nghiên cứu của nhóm này thì đầu những năm 50, chỉ có 1% thuốc lá đầu lọc được sử dụng. Sau đó tỷ lệ này đã tăng lên là 64% vào năm 1964, 95% năm 1986. Tuy nhiên, dù tăng sử dụng đầu lọc nhưng số ca bệnh ung thư phổi không những không giảm mà còn tăng song hành với việc tăng sử dụng đầu lọc. Cụ thể: vào năm 1950, bệnh ung thư phổi chỉ chiếm 5% các trường hợp ung thư, nhưng từ những năm 1960 đã tăng đột biến, hiện chiếm đến 62%. Từ những số liệu thu được, các nhà khoa học khẳng định có sự liên quan giữa việc sử dụng đầu lọc thuốc lá với sự bùng phát bệnh ung thư phổi. Theo họ, đầu lọc là cho người hút thuốc hít những hơi sâu hơn và lớn hơn, do đó lượng độc tố đi vào phổi nhiều hơn. Như vậy dù thuốc lá có đầu lọc cũng không ngừa được bệnh ung thư phổi. Tốt nhất là nên quyết tâm bỏ hẳn hút thuốc để phòng tránh ung thư do thuốc lá.
BS. Nguyễn Minh Hiền