Hút thuốc lá chiếm đến 97% nguyên nhân gây ra ung thư phổi

23-05-2024 12:23 | Y tế

SKĐS - Bộ Y tế đề nghị các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; Tăng cường việc xử phạt các hành vi vi phạm quy định cấm hút thuốc tại các địa điểm cấm hút thuốc lá...

"Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá"

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương về việc tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5/2024 và tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Theo Bộ Y tế, ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2024 được Tổ chức Y tế thế giới phát động với chủ đề "Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá".

Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh ngày Thế giới không thuốc lá năm 2024 là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh thiếu niên bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ, bảo vệ các em khỏi tác động của việc quảng cáo thuốc lá, bao gồm cả việc tiếp thị qua mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số.

Hút thuốc lá chiếm đến 97% nguyên nhân gây ra ung thư phổi - Ảnh 1.

Đã có nhiều trường hợp nhập viện điều trị dài ngày vì hệ luỵ của sử dụng thuốc lá điện tử...

Theo Tổ chức Y tế thế giới, có mối liên quan rõ ràng giữa việc gia tăng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong giới trẻ với việc tiếp cận giới trẻ thông qua quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá, đặc biệt trên các nền tảng kỹ thuật số.

Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13–15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) hiện đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống tại khu vực Đông Nam Á.

Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy trẻ em từ 13–15 tuổi có tỷ lệ đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá cao, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế những thành tựu trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.

Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng để giảm các yếu tố nguy cơ với sức khỏe

Trong văn bản của Bộ Y tế do GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế ký ban hành gửi các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương nêu rõ, ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030, trong đó có mục tiêu: "Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe…". "Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng".

Để tiếp tục tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đề nghị các Bộ, ngành, Đoàn thể Trung ương phối hợp, chỉ đạo tổ chức các hoạt động tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá; hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25-31/5.

Hút thuốc lá chiếm đến 97% nguyên nhân gây ra ung thư phổi - Ảnh 2.

ThS.Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không khói thuốc lá 31/5/2024 và Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc lá từ 25-31/5 năm 2024 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại của Thuốc lá, Bộ Y tế tổ chức.

Thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc trong cơ quan Bộ và các cơ quan, đơn vị trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách; chỉ đạo đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; treo biển cấm hút thuốc tại nơi làm việc.

Giám sát thường xuyên việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc của cơ quan bộ, ngành, đoàn thể và các đơn vị trực thuộc.

Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030.

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; Tiếp tục tăng cường việc xử phạt các hành vi vi phạm quy định cấm hút thuốc tại các địa điểm cấm hút thuốc lá;

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 về việc tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 - 31/5/2024.

Liên quan đến công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, ngày 22/5 tại Trung tâm văn hóa huyện Yên Dũng, Tỉnh Bắc Giang, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại của Thuốc lá, Bộ Y tế tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không khói thuốc lá 31/5/2024 và Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc lá từ 25-31/5 năm 2024.

Phát biểu tại Lễ mít tinh, ThS.Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết theo điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 30 tỉnh, thành phố năm 2022 - 2023 cho thấy, tỉ lệ người trưởng thành tin rằng hút thuốc lá gây ra các bệnh nguy hiểm như: ung thư phổi là 97,1%, gây đột quỵ là 80,9%, gây bệnh tim mạch là 77,8%.

Tỉ lệ người trưởng thành tin rằng hít phải khói thuốc lá gây ra các bệnh nguy hiểm cho người không hút thuốc lá 85,7%; 90% người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá khi đến cơ sở y tế

Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng gặp nhiều khó khăn như tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao với 38,9% nam giới trưởng thành hút thuốc;

Tỉ lệ hút thuốc lá trong nữ giới có xu hướng gia tăng; hiện nay, trên thị trường lại xuất hiện các sản phẩm như thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha và được mua bán, quảng cáo nhiều trên mạng xã hội và chủ yếu nhằm vào giới trẻ.

Đây cũng là những sản phẩm gây nghiện và có hại cho sức khỏe, chúng ta không kịp thời ngăn chặn thì trong tương lai gần, các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường.

Đặc biệt là các hậu quả về sức khỏe trong thế hệ trẻ, gây ô nhiễm khí thải, rác thải, đồng thời gây khó khăn trong việc đạt được mục tiêu của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỉ lệ hút thuốc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Bộ Y tế cảnh báo tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăngBộ Y tế cảnh báo tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng

SKĐS - Bộ Y tế cho biết tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.

Thái Bình
Ý kiến của bạn