Hụt hẫng Cậu Vàng

25-01-2021 20:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Vừa ra rạp nhưng bộ phim Cậu Vàng đã khiến nhiều khán giả hụt hẫng.

Cậu Vàng không phải là tác phẩm điện ảnh đầu tiên được dựng thành phim dựa trên những trang viết của nhà văn Nam Cao. Trước đó, điện ảnh Việt có Làng Vũ Đại ngày ấy của đạo diễn Phạm Văn Khoa, dựa trên 3 truyện ngắn Chí Phèo, Lão HạcSống mòn của Nam Cao. Phim Làng Vũ Đại ngày ấy đã ra đời cách đây 40 năm, tuy nhiên bộ phim này được đánh giá là tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt. Dù là sự hòa trộn của 3 tác phẩm văn học nhưng khi xem Làng Vũ Đại ngày ấy, khán giả không cảm thấy có sự mâu thuẫn trong nội dung, bởi vì tính chủ đề xuyên suốt cả bộ phim đã được đạo diễn tôn trọng một cách triệt để. Bộ phim này góp phần giúp đạo diễn Phạm Văn Khoa được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật (2007), diễn viên Bùi Cường giành Huy chương Vàng (diễn viên chính xuất sắc nhất) Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 6.

Cảnh trong phim Cậu Vàng.

Cảnh trong phim Cậu Vàng.

Trở lại với Cậu Vàng vừa ra rạp của đạo diễn Trần Vũ Thủy - tác phẩm điện ảnh đang “gây bão” gần đây. Phim này được dựng dựa trên các tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao, kể về cuộc đời khốn khổ của Lão Hạc cùng chú chó được lão đặt tên là Cậu Vàng. Có thể nói, đây là phim Việt đầu tiên có vai chính là một chú chó, kết nối các nhân vật khác để phản ánh chân thực xã hội Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử. Tuy nhiên, khi xem Cậu Vàng, nhiều khán giả thất vọng bởi phim đã thêm thắt, sửa đổi quá nhiều nguyên tác văn học khiến kịch bản trở nên rối rắm, hời hợt. Cậu Vàng - nhân vật chính không nhiều đất diễn, phim hầu như tập trung vào câu chuyện nhà Bá Kiến. Cái kết còn khiến mọi người khó hiểu khi đi quá xa so với tinh thần gốc. Việc biến cậu Vàng trở thành “siêu khuyển” không chỉ phi lý mà thậm chí còn hơi phản cảm.

Bên cạnh đó, mạch phim của Cậu Vàng diễn ra nhanh với nhiều biến cố của tất cả các nhân vật trong ngôi làng bé nhỏ. Vì có quá nhiều câu chuyện lồng ghép vào nhau nên dù phim có tên Cậu Vàng nhưng câu chuyện của 2 nhân vật gồm Lão Hạc và Cậu Vàng lại ít hơn những câu chuyện của các nhân vật khác. Hai nhân vật chính khá một màu, mờ nhạt và không để lại nhiều ấn tượng cũng như sự đồng cảm từ người xem. Tương tự, các nhân vật khác cũng được xây dựng và thể hiện rất cũ, khuôn mẫu, sáo rỗng và khó thuyết phục khán giả chấp nhận về tính cách và hành động của họ. Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, một số đoạn tiếng động bị lệch khỏi hình, nhiều đoạn thoại nhân vật nói thầm nhưng tiếng to, nhân vật hét thì tiếng lại nhỏ. Nhạc nền cảnh vui thì vang lên âm thành u buồn làm khán giả bối rối về cảm xúc.

Đa số ý kiến cho rằng, dù ê-kíp làm phim đã rất nỗ lực nhưng Cậu Vàng cho thấy nhiều lỗ hổng và sạn không đáng có. Điều vô lý trong bộ phim là các nhân vật sinh sống trong thời kỳ đói kém của năm 1945 nhưng nhìn đi nhìn lại chẳng ai giống nghèo khổ. Từ Lão Hạc, vợ chồng ông giáo Thứ, Binh Tư, dân làng... ai cũng đẹp và không ai trông có vẻ gầy gò. Dân làng phải chịu thuế nặng, cuộc sống lầm than, nghèo khổ, đói rách cùng cực nhưng đêm về vẫn có tâm trạng đi xem múa rối nước, ngày làm ruộng nhàn nhã, hát ca, trêu ghẹo nhau. Những sự sắp đặt trong phim trở nên khập khiễng do đạo diễn không nhất quán được tinh thần phim, đồng thời cấu trúc chương hồi lỏng lẻo, ý tưởng sáng tạo nửa vời.

Theo NSND Nguyễn Hữu Phần, phim Cậu Vàng còn sơ lược và đơn giản, mới chỉ là đặt các sự kiện vào đó. Phim không thấy rõ nhân vật chính nên khán giả không biết tập trung theo dõi chuyện gì. Các nhân vật khác chỉ như những hình mẫu được xác định sẵn tính cách, không thấy sự chuyển biến tính cách một cách sâu sắc, hợp lý. Vì làm chưa tới và một phần được đưa lên bàn cân với những tác phẩm văn học kinh điển của Nam Cao nên Cậu Vàng đang ế ẩm người xem, doanh thu phòng vé sau 1 tuần công chiếu chỉ thu về hơn 2 tỷ đồng, được nhận định khó trụ rạp lâu dài như dự kiến.


Sơn Tùng
Ý kiến của bạn