Hà Nội

‘Hương vị tình thân’: Bà Xuân, bà Bích, bà Sa bị ghét vì một sai lầm nghiêm trọng

23-08-2021 06:16 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Bất chấp việc xuất hiện thêm nhiều tình tiết bị khán giả ‘ném đá’, lượng rating vẫn chứng tỏ phim ‘Hương vị tình thân’ phần 2 hấp dẫn hơn cả phần 1.

Bà Xuân ngu ngơ và nông cạn

Ngay từ đầu, vai diễn do Quách Thu Phương đảm nhận là người phụ nữ có xuất thân danh giá, thích ăn diện, lười quán xuyến chuyện gia đình, tính khí lại trẻ con, thiếu sâu sắc. 

Càng về sau, bà Xuân bộc lộ càng nhiều khiếm khuyết về cách hành xử, đặc biệt là trong những tình huống liên quan đến chuyện tình cảm của 2 đứa con trai.

Hương vị tình thân 1

Cách hành xử đáng ghét của bà Xuân khiến Quách Thu Phương bị... vạ lây

Ở phần 2 của phim, khi phát hiện Thy (Thu Quỳnh) có thai với Huy (Anh Vũ), bà Xuân kịch liệt phản đối, bất chấp ngày xưa mình từng ở hoàn cảnh như vậy. Phản ứng của bà khiến khán giả ‘sôi máu’, cho rằng bà không bao giờ chịu lắng nghe và thấu hiểu cho con, lúc nào cũng chỉ chăm chăm vào danh dự hão của bản thân, gia đình.

Phim ‘Hương vị tình thân’ phần 2 được phát sóng vào lúc 21h00 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV1

Nhiều khán giả vì quá nhập tâm các tình tiết trên phim nên không kiềm chế được cảm xúc, họ tràn vào Facebook cá nhân của diễn viên để chửi bới, phê phán với những lời lẽ thiếu tôn trọng. Chia sẻ về điều này, Quách Thu Phương tỏ ra khá bình thản, cô cho rằng sự phản ứng đó có nghĩa là mọi người quan tâm đến bà Xuân. Là một diễn viên, cô trân trọng sự yêu quý của khán giả.

Bà Bích tham lam, xấu tính

Trong phim ‘Hương vị tình thân’, vai bà Bích do Tú Oanh đảm nhận và cũng nhận về không ít ác cảm từ khán giả. Trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều bình luận thể hiện sự bất bình đối với cách hành xử của bà Bích.

Hương vị tình thân 2

Khán giả cho rằng bà Bích không xứng là một người mẹ

Trong mắt khán giả, bà Bích – mẹ nuôi của Nam (Phương Oanh) là một người đàn bà tham lam, xấu tính… Bà từng đem Nam ra bỏ ở chợ sau những trận đòn ‘thừa sống, thiếu chết’ vì phân biệt con nuôi, con đẻ… Sự ghẻ lạnh của bà Bích đối với Nam làm khán giả ức chế, cho rằng bà không đáng mặt là một người mẹ. Thậm chí, khán giả đã tìm vào tận trang cá nhân của nghệ sĩ Tú Oanh để ‘ném đá’.

Khác với sự bình thản của Quách Thu Phương, Tú Oanh khá hoang mang. ‘Dù tôi vẫn hiểu, một bộ phận khán giả không phân biệt được vai diễn trên phim và diễn viên ngoài đời, nhưng nghệ sĩ mà, tôi không tránh khỏi cảm giác hơi nặng nề...’, nghệ sĩ Tú Oanh bày tỏ.

Bà Sa ‘máu lạnh’ và thực dụng

Trong phim ‘Hương vị tình thân, nhân vật bà Sa (NSƯT Thu Hạnh) - mẹ của Khánh Thy (Thu Quỳnh) cũng làm khán giả ‘lạnh gáy’ vì sự thực dụng và ác độc. Bà Sa không từ mọi thủ đoạn để con gái lấy được 1 trong 2 người con trai của bạn thân quyền quý. Hầu hết mọi việc trong cuộc sống của Thy đều do bà Sa sắp đặt.

Thy chia tay Phi vì mẹ ép, ‘thả thính’ Long vì mẹ muốn và cưới Huy cũng vì mẹ sắp đặt. Bà Sa biến Thy thành ‘cỗ máy kiếm tiền không cảm xúc. Cuối cùng, Thy cũng trở thành một phiên bản thực dụng, mưu mô không khác gì mẹ.

Hương vị tình thân 3

Bà Sa ép con gái trở thành một người thực dụng và máu lạnh

Sự quá đáng của bà Sa chưa dừng lại ở đó, bà còn ép Thy phải mở đường cho Dũng - cậu em trai không hề có chút năng lực thăng tiến trong công việc ở công ty nhà chồng. Kết quả, bà Sa cũng nhận về rổ ‘gạch đá’ từ khán giả. Nhiều người chỉ trích sự đối xử khắc nghiệt, lạnh lùng của bà Sa với con gái.

Bình luận về nhân vật bà Sa, NSƯT Thu Hạnh lý giải: ‘Cuộc đời nhiều thăng trầm đã biến bà Sa trở thành người phụ nữ toan tính. Bà làm như vậy cũng chỉ là muốn tốt cho con cái. Đây chính là hình ảnh của nhiều bà mẹ sống trong thời hiện đại nhưng vẫn giữ quan điểm áp đặt con cái một cách quá đáng’.

Sai lầm của bà Xuân, bà Bích, bà Sa để lại bài học gì?

Đối với những người làm cha làm mẹ, việc đáp ứng mọi nhu cầu của con cái điều bình thường và cần thiết. Cha mẹ có trách nhiệm đảm bảo rằng con cái của họ được bảo vệ và chăm sóc tốt. Tuy nhiên, khi con trưởng thành, cha mẹ nên điều chỉnh mức độ chăm sóc và giám sát của mình để phù hợp với mức độ cá nhân và mức độ độc lập ngày càng tăng của con.

Nói cách khác, khi đã đủ lông đủ cánh, những đứa con sẽ phải rời tổ và bay đi. Trên thực tế, một trong những thước đo chính để nuôi dạy con cái thành công là mức độ tự lập của một đứa trẻ khi chúng trưởng thành.

Suy cho cùng, mỗi cá nhân đều chỉ có quyền chi phối vận mệnh cuộc đời của chính mình và không có quyền áp đặt phán đoán của mình lên số phận của người khác, cho dù là của con cái.


Thủy Kiều
Ý kiến của bạn