Trước tiên, nâng cao hiểu biết của cộng đồng về phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe là một nhiệm vụ thực sự không dễ dàng, đòi hỏi sự kiên trì (chẳng khác gì thay đổi một thói quen xấu). Về mặt này, báo SK&ĐS đã có phần đóng góp hiệu quả với những ấn phẩm riêng cho những vùng cần quan tâm đặc biệt (nông thôn, miền núi). Mỗi bài báo về sức khỏe đã giúp làm thay đổi tập quán, thói quen xấu của cộng đồng để biết giữ sức khỏe tốt hơn.
Thứ hai, báo SK&ĐS luôn có những thông tin bắt kịp xu thế toàn cầu, ví dụ như những thông tin về sức khỏe tình dục (SKTD) mới chỉ được nói đến ở nước ta vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, chỉ vài năm sau những phát biểu đầu tiên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và báo SK&ĐS đã đi đầu trong sự phát triển hiểu biết cho cộng đồng về ý nghĩa nhân văn của khái niệm này. Cần nói thêm là nhiều thầy thuốc thế hệ tôi thời đó cũng chưa hiểu thế nào là SKTD. Ngày 4/9 năm nay là Ngày thế giới vì SKTD lần thứ 2 cho thấy báo SK&ĐS đã nhìn trước được tầm quan trọng của khu vực kiến thức này trong đời sống. Trong số những bài báo đầu tiên viết về SKTD trên báo, có một vài bài của tôi và đó giống như những cú hích đầu tiên để tôi dấn sâu thêm trong lĩnh vực này. Có thể nói, tôi cũng đã trưởng thành hơn khi viết về SKTD theo sự phát triển của báo Sức khỏe&Đời sống.
Thứ ba, ngoài những thông tin về sức khỏe, những bài viết về mảng xã hội và đời sống của báo cũng rất thú vị. Tôi thích rất nhiều bài viết trên SK&ĐS ở mảng này. Sự cân đối có chất lượng hai phần: sức khỏe và đời sống là một nét đặc sắc và cũng là thành công của báo.
Tuy đã có những thành công nhưng báo SK&ĐS vẫn có thể cải tiến để tốt hơn nữa. Tôi cho rằng số bạn đọc trẻ, nhất là vị thành niên cần có chuyên mục thường xuyên để có thêm thông tin về SKSS, SKTD và phát triển toàn diện nhân cách. Đối tượng bạn đọc này có tiềm năng để nâng cao chất lượng và ổn định dân số nhưng rất tiếc là nhiều băn khoăn của VTN liên quan đến tuổi dậy thì, đến mối quan hệ thầm kín giữa nam nữ (thông qua những câu hỏi gửi đến báo) thể hiện sự ngây thơ, ngờ nghệch và cả những bộc lộ mạnh bạo chân thành nhưng sai lầm khiến những người quan tâm đến sức khỏe của tuổi VTN phải nhận ra một điều không vui: Các em không được trang bị những hiểu biết cần thiết về SKSS và tình dục để chuẩn bị vào đời và như vậy, các em sẽ không thể biết tự bảo vệ.
Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2 (SAVY2, 2008) đã có nhiều phát hiện mà giới truyền thông có thể tận dụng để nâng cao chất lượng phục vụ. Ví dụ, những nguồn thông tin liên quan đến SKSS, SKTD mà thanh thiếu niên tiếp cận được nhiều nhất và đã nâng cao được hiểu biết là truyền hình và các ấn phẩm (báo, tạp chí, sách), tiếp theo mới là cha mẹ hay bạn bè. Vậy báo SK&ĐS có thể dựa vào phát hiện này để trở thành tờ báo gần gũi với giới trẻ, được giới trẻ tin cậy và đó là một mục tiêu đáng theo đuổi. Có thể làm được điều này bằng nhiều hoạt động, ví dụ mở cuộc thi viết về những kỹ năng sống liên quan đến tuổi dậy thì, xây dựng mối quan hệ nhân văn và bình đẳng giữa nam và nữ.
Báo mạng SK&ĐS online cũng nên tạo phần mềm để bạn đọc trẻ có thể tìm dễ dàng các thông tin y học đã đăng tải từ trước chỉ bằng một click. Với báo giấy, chuyên mục cho giới trẻ nên có cùng một khuôn khổ để nếu bạn đọc muốn, có thể cắt ra và lưu trữ như một cuốn sách nhỏ sau một thời gian.
Tuy những thông tin về SKSS và SKTD là rất cần thiết cho tuổi trẻ nhưng đừng quên rằng để thanh thiếu niên phát triển toàn diện còn cần có những bài viết nhằm xây dựng nhân cách mà xã hội kỳ vọng. Những bài viết vì mục tiêu đó (tạm gọi là giáo dục giới tính) cũng cần được quan tâm hơn nữa. Nếu làm được, cũng sẽ là một đóng góp để định hình một giáo trình về giáo dục giới tính mà tới nay ở nước ta còn chưa rõ sẽ nên như thế nào.
BS. Ðào Xuân Dũng